Cần một ngoại lệ cho Vietnam Airlines?

13/09/2022 11:47

Thông tin 2,2 tỉ cổ phiếu HVN của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) có khả năng hủy niêm yết bắt buộc đang làm các cổ đông doanh nghiệp này lo lắng.

mot-chuyen-bay-cua-vietnam-airlines-1663044059.jpg
Một chuyến bay của Vietnam Airlines. Ảnh: VNA

Khả năng hoạt động liên tục bị nghi ngờ

Hồi cuối tuần qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo lưu ý đến khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 2,2 tỉ cổ phiếu HVN của Tổng Công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm. Hiện nay cổ phiếu HVN đang ở trong diện kiểm soát theo Quyết định số 359/QĐ-SGDHCM ngày 1.6.2022.

Để khắc phục điều kiện, đưa cổ phiếu thoát khỏi diện kiểm soát đối với HVN trong bối cảnh hiện nay được cho là khó bởi trong báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 5.000 tỉ đồng. Trong khi lỗ lũy kế đến ngày 30.6.2022 là gần 29.000 tỉ đồng; đồng thời vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỉ đồng như Báo Lao Động đã đưa tin cách đây không lâu.

Không những vậy, trong báo cáo kiểm toán bán niên 2022, các kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam cũng lưu ý: “Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty”.

Cần có thêm ngoại lệ?

Nguy cơ huỷ niêm yết của HVN đang rất được quan tâm bởi đây là doanh nghiệp đầu đàn của ngành hàng không, lượng cổ phiếu niêm yết lớn, số lượng cổ đông đông đảo, trong đó cổ đông nhà nước đang giao quyền đại diện cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thêm nữa, thị trường đang trong giai đoạn nhạy cảm, nhất là việc tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin.

Có một số ý kiến cho rằng, không nên có cơ chế riêng ưu ái dù với doanh nghiệp nhà nước còn sở hữu tỉ lệ vốn lớn bởi tính bình đẳng khi tham gia thị trường. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải tạo một cơ chế riêng nữa để “giải cứu” tình trạng này của HVN.

Bởi với đặc thù hoạt động như hiện nay, song hành với hoạt động kinh doanh cốt yếu, Vietnam Airlines còn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao phó và trách nhiệm của Hãng hàng không Quốc gia, như thực hiện hàng loạt những chuyến bay đặc biệt đón đồng bào từ vùng có dịch và nguy cơcó dịch trở về quêhương trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” thời gian qua...

Dẫu vậy nếu trong trường hợp HOSE thực hiện đúng quy định, khả năng cổ phiếu HVN bị huỷ niêm yết bắt buộc là rất cao bởi khả năng khắc phục trong năm 2022 là khó. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của HVN hồi cuối tháng 6 vừa qua, cổ đông nhà nước là SCIC cho biết, về kế hoạch sản xuất năm 2022 của HVN, theo kế hoạch 5 năm 2021-2025 được xây dựng hồi tháng 12.2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền về gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã được phê duyệt, kế hoạch lợi nhuận của Vietnam Airlines năm 2022 là 382 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 trình Đại hội cổ đông thường niên 2022, do tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn rủi ro khó lường, giá nhiên liệu bay có xu hướng tăng cao và yếu tố địa chính trị thế giới, đặc biệt là tình hình cuộc xung đột Nga - Ukraine… nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất được chuyển thành âm khoảng 11.000 tỉ đồng.

Cũng theo cổ đông này, để Vietnam Airlines không bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên trong bối cảnh giá xăng dầu năm 2022 cao và bất ổn chính trị kéo dài ảnh hưởng phức tạp đến các nguồn cung trên thế giới, trước mắt, cổ đông SCIC nhất trí về dự kiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất với mức lỗ thấp nhất 11.465 tỉ đồng; đồng thời đề nghị HVN tập trung ngay việc cắt giảm chi phí, khắc phục các nguyên nhân chủ quan nếu có và thực hiện các biện pháp nâng cao hơn, đột phá hiệu quả sản xuất kinh doanh, không để tình trạng lỗ nặng kéo dài. Đại hội cổ đông 2022 của HVN cũng đã biểu quyết năm 2022 lợi nhuận trước thuế công ty mẹ lỗ 9.335 tỉ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Cần một ngoại lệ cho Vietnam Airlines?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).