Nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2021. Vietcombank (HoSE: VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế còn tăng 15%, đạt 5.738 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 77% kế hoạch năm.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5%, ở mức 936.343 tỷ đồng. Nợ xấu nhân đôi lên 10.884 tỷ đồng, đưa tỷ trọng trong cơ cấu từ 0,62% lên 1,16%. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 13 lần lên 3.122 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 nợ có khả năng mất vốn tăng 45% lên 6.279 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 242%, giảm so với mức 368% của cuối năm trước.
Sacombank (HoSE: STB) lãi trước thuế 824 tỷ đồng trong quý III, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 3.249 tỷ, tăng 40%. Lãi sau thuế đạt 2.553 tỷ đồng, tăng 38%.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản ở mức 494.295 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5% đạt 356.440 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng giảm 4% xuống 5.568 tỷ đồng. Ty lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,7% xuống 1,56%.
HDBank (HoSE: HDB) báo lãi trước thuế tăng 28% lên 1.891 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6.084 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 83,5% kế hoạch cả năm. Hệ số ROE đạt 24%, cao hơn mức 21% cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/9, tổng tài sản ở mức 346.355 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ khách hàng tăng 7,4% lên 191.515 tỷ đồng, dự phòng rủi ro tăng 12%. Nợ xấu tăng 14%, ở mức 2.679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng 56% lên hơn 1.153 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,3% lên 1,4%.
LienVietPostBank (HoSE: LPB) ghi nhận lãi trước thuế quý III tăng 4%, đạt gần 766 tỷ đồng, nâng lũy kế 9 tháng lên 2.802 tỷ đồng, cao hơn 61%, tương đương 88% kế hoạch năm.
Đến 30/9, tổng tài sản tăng 5% so với đầu năm, ở mức 254,623 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 52%, xuống 1.668 tỷ đồng, tiền gửi tại các TDTD khác giảm 21% còn 10.731 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng tăng 11%, lên 195.829 tỷ đồng. Nợ xấu cũng tăng 10% so với đầu năm, ở mức 2.783 tỷ đồng. Riêng nợ nghi ngờ tăng 1,7 lần, lên 974 tỷ đồng. Tốc độ tăng nợ xấu chậm hơn tổng dư nợ, do đó tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,43% xuống 1,42%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 98%, tăng so với mức 89% cuối năm trước.
Techcombank (HoSE: TCB) công bố lãi trước thuế quý III đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận 9 tháng đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020, tương đương 86% kế hoạch cả năm.
Đến 30/9, tổng tài sản ở mức 541.635 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng hơn 321.042 tỷ đồng, tăng 16%. Nợ xấu tăng 41% so với đầu năm lên 1.828 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,47% lên 0,57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 170% cuối năm trước lên 184%.
Tiền gửi của khách hàng đạt 316.376 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 120.464 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tiền gửi, tăng so với mức 44% đầu năm.
Với SeABank (HoSE: SSB), ngân hàng lãi trước thuế 974 tỷ đồng, tăng 110% trong quý III. Lũy kế 9 tháng, lãi trước thuế đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ 2020 và vượt 5% kế hoạch năm.
Đến cuối tháng 9, SeABank đạt tổng tài sản hơn 197.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi và cho vay liên ngân hàng tăng 24% đạt 31.940 tỷ đồng, chứng khoán kinh doanh tăng gấp hơn 5 lần lên 13.883 tỷ đồng, tài sản có khác tăng gần gấp rưỡi lên trên 9.000 tỷ đồng.
Cho vay khách tăng 3% so với đầu năm lên 111.000 tỷ đồng. Nợ xấu giảm 3% xuống 1.896 tỷ đồng, nhờ đó tỷ trọng trong dư nợ hạ từ 1,85% xuống 1,68%.
Tiền gửi khách hàng ở mức 110.440 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Ngân hàng có 2.020 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bên cạnh quỹ tín dụng 456 tỷ đồng.
SeABank công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận 9 tháng gấp đôi cùng kỳ. Ảnh: SeABank. |
Trong quý III, VietBank (UPCoM: VBB) ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro nhân đôi so với cùng kỳ khiến lãi trước thuế giảm 20%, xuống 68 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 394 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ, tương đương 101% kế hoạch năm.
Tại 30/9, tổng tài sản ở mức 94.316 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 5% đạt 46.957 tỷ đồng. Nợ xấu cũng tăng 59% lên 1.243 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng lần lượt 275% và 159% lần lượt ở mức 354 tỷ đồng và 236 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay nâng từ 1,75% lên 2,65%.
Tiền gửi khách hàng tăng 4% đạt 67.049 tỷ đồng. Tiền vay các TCTD khác giảm 47% xuống 1.403 tỷ đồng…
MSB là ngân hàng thứ 11 công bố kết quả 9 tháng với lãi trước thuế riêng ngân hàng đạt hơn 4.100 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần với cùng kỳ, cao hơn kế hoạch lợi nhuận hợp nhất của năm 2021 (3.200 tỷ đồng). Chỉ số ROAA và ROAE tính đến 30/9, đều khả quan, tương ứng đạt 2,15% và 20,98%. Tổng thu nhập thuần 9 tháng đạt hơn 7.556 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt hơn 4.445 tỷ đồng, cao hơn 38% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB hết quý III đạt 2.445, tăng 5 lần, đóng góp chính vẫn là nguồn thu từ hoạt động bancassurance.
Đến hết 30/9, tổng tài sản riêng MSB đạt hơn 195.000 tỷ đồng, tăng hơn 10,5% so với đầu năm, vượt kế hoạch hợp nhất (190.000 tỷ đồng) . Trong đó, tăng trưởng cho vay khách hàng đến hết quý III của ngân hàng đạt hơn 23%, ở mức 97.860 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
VIB thông báo kết quả 9 tháng với lợi nhuận trước thuế hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 10.300 tỷ đồng. Hiệu quả hoạt động với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 29%.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản VIB ghi nhận hơn 285.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 11%, huy động tiền gửi từ khách hàng đạt hơn 170.000 tỷ đồng, tăng 13%, tiền gửi không kỳ hạn tăng gần 20%. Mảng bán lẻ tiếp tục đóng góp trên 85% danh mục cho vay.