CEO Phúc Khang Corp: Thành phố Thủ Đức không thể loanh quanh giải bài toán ngập lụt, kẹt xe

05/09/2020 08:43

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phuc Khang Corp chia sẻ tại tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hoá TP. Thủ Đức".

Theo bà Mẫu, gần 10 năm trước đây, TP.HCM đã từng đưa ra ý tưởng “thành phố trong thành phố” khi đề xuất đến việc tạo cơ chế hình thành 4 “thành phố” theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng điều này và thực sự đã tạo nên những địa chấn như kỳ tích Phố Đông - Thượng Hải (Trung Quốc) hay Quận Gang Nam của Hàn Quốc...

.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phuc Khang Corp chia sẻ tại Tọa đàm sáng 4/9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TP. Thủ Đức được thành lập với kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao ở khu vực phía đông TP.HCM - một đầu tàu, động lực mới trong phát triển kinh tế vùng và cả nước. Để hiện thực hoá những kỳ vọng này, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu nêu một số điểm:

Thứ nhất, quy hoạch TP.Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh. Không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 theo cơ sở địa giới hành chính, TP.Thủ Đức muốn trở thành động lực phát triển kinh tế, có chất lượng tri thức và đời sống cao, thì cần có quy hoạch cấu trúc chiến lược, tổng thể cho toàn vùng (bao gồm cả TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đô thị lân cận..).

Thứ hai, hạ tầng là yếu tố quan trọng cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu. Xây nhà từ móng, phát triển một thành phố phải bắt đầu từ hạ tầng, tránh những bài học mà TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt như ngập lụt, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng.

“Thành phố sáng tạo và thành phố công nghệ không thể là thành phố suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống sẽ rất khó bật lên để trở thành Thành phố sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế”, bà Mẫu nhấn mạnh.

Giải pháp thứ ba mà CEO Công ty Phúc Khang đưa ra là cần hiểu rõ các đặc trưng và tiềm năng của khu vực này, để tìm ra sự khác biệt giúp TP. Thủ Đức ghi dấu ấn trong nước và quốc tế.

“Sáng tạo và công nghệ là những mục tiêu phát triển mà nhiều thành phố mới trên thế giới theo đuổi, vậy điều gì là bản sắc riêng của Thành phố sáng tạo Thủ Đức. Không thể và không nên gọi Thủ Đức là “Singapore” hay “Phố Đông Thượng Hải” của TP.HCM, TP.Thủ Đức cần là chính nó, tạo dựng vị thế mới mẻ và riêng biệt nhưng cũng đầy sức thu hút”, bà Mẫu nói.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể làm được khi hiểu rõ các tiềm năng về thiên nhiên, văn hoá, con người... của khu vực này, từ đó xây dựng viễn cảnh phát triển trong tương lai của Thành phố.

Thứ tư, khi xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế xã hội TP. Thủ Đức cần đi kèm với chiến lược phát triển không gian.

Cần có bộ khung hướng dẫn thiết kế đô thị cho Thành phố, xác định rõ các khu vực cao tầng, các khu vực điểm nhấn để kiến tạo hình ảnh, bộ mặt đặc trưng cho đô thị, đặc biệt là hình bóng đô thị mặt sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Khung hướng dẫn thiết kế đô thị cho Thành phố cũng sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng định hình quy mô và mức độ đầu tư tại các khu vực trung tâm của Thành phố.

Giải pháp thứ năm là quy hoạch Thành phố mới cần dành chỗ cho các không gian công cộng, đặc biệt là dải đất ven sông Sài gòn và sông Đồng Nai. Những công viên cảnh quan dọc 2 bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư.

xxx
Việc TP. THủ Đức được thành lập sẽ là yếu tố kích thích phát triển thị trường và các sản phẩm bất động sản tại khu vực này (ảnh: Trọng Tín)

Thứ sáu là xây dựng cho Thành phố những quy chế đặc thù, để xây dựng nguồn vốn và thu hút đầu tư.

Thành phố cần được tự chủ và tự quyết trong cả kế hoạch phát triển kinh tế, thu hút đầu tư lẫn quy hoạch không gian và phát triển hạ tầng. Để làm được như vậy TP.Thủ Đức cần có sự đổi mới và tinh gọn trong bộ máy quản lý lẫn quyền được quản lý – giúp đô thị này thực sự năng động để bật lên so với các khu vực khác.

Giải pháp thứ bảy mà bà Mẫu đưa ra là phải giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính cho các dự án bất động sản trong khu vực đã lập kế hoạch, đang chờ phê duyệt và được phê duyệt trước đó.

“Cần có bước rà soát và tích hợp các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong khu vực, song song với bước lập quy hoạch cấu trúc chiến lược cho Thành phố mới, đồng thời các dự án đang lập kế hoạch có thể tham khảo để tích hợp theo quy hoạch mới”, bà Mẫu nói và cho rằng, có như vậy mới đảm bảo các quy trình vẫn diễn ra hài hoà, không bị mâu thuẫn và kéo dài tiến độ xây dựng Thành phố.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thành lập Hội đồng Quy hoạch và Thiết kế đô thị TP.Thủ Đức, hoạt động chuyên môn độc lập để khách quan đánh giá, tích hợp và điều chỉnh các dự án bất động sản với bản quy hoạch chung của thành phố. Hội đồng này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản để cùng đẩy nhanh các thủ tục hành chính cho các dự án sau khi tích hợp với bản Quy hoạch chung.

Nhìn về cơ hội phát triển bất động sản trước việc thành lập TP.Thủ Đức, bà Mẫu cho rằng, đây sẽ là yếu tố kích thích phát triển thị trường và các sản phẩm bất động sản tại khu vực này.

Chính vì vậy, rất cần những sản phẩm bất động sản có những giá trị và phẩm chất phù hợp với những kỳ vọng và viễn cảnh tương lai của Thành phố. Thành lập TP. Thủ Đức là cơ hội để áp dụng những chiến lược phát triển đô thị bền vững, những công nghệ thân thiện và bền vững với môi trường và cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết "CEO Phúc Khang Corp: Thành phố Thủ Đức không thể loanh quanh giải bài toán ngập lụt, kẹt xe" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).