Những nút thắt
Phản ánh đến báo Lao Động, chị Lê Thị Ngọc Quỳnh thường trú tại Chung cư CC1-Jovita, KDC Hạnh Phúc của Tổng Công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư tại huyện Bình Chánh, TPHCM bức xúc cho biết, chị mua căn hộ tại dự án vào tháng 9.2016 và nhận bàn giao căn hộ vào tháng 1.2017. Và cho đến nay vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng). Vào ngày 15.11.2018, Chủ đầu tư gửi công văn số 2009/NCPT&ĐT hứa sẽ cấp sổ hồng cho người dân vào năm 2019. Nhưng đến hạn họ vẫn không thực hiện lời hứa. Sau khi nắm thông tin cư dân sẽ khởi kiện hàng loạt thì đến ngày 11.05.2022, chủ đầu tư mời Ban quản trị các Block A, B, C, D họp và đưa ra công văn số 545/TCT-ĐT có nội dung hứa sẽ cấp sổ hồng cho cư dân vào năm 2023. Tuy nhiên người dân đã hầu như không còn tin tưởng vào lời hứa của chủ đầu tư. Không thể ngồi chờ, thay vào đó, người dân sinh sống tại đây đã có các động thái mạnh mẽ để đòi quyền lợi như yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư, thu thập chữ ký cư dân và gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Trong công văn trả lời về lý do vì sao chậm cấp sổ, phía chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng số 1 cho biết nguyên nhân là do dự án có 4 giai đoạn đầu tư và hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác giải toả đền bù các hộ dân thuộc phạm vi dự án. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong công tác thực hiện nghĩa vụ tài chính nên hồ sơ pháp lý để tiến hành xin cấp sổ hồng vẫn bị tắc.
Bên cạnh đó, câu chuyện chậm cấp sổ hồng còn liên quan đến những “nút thắt” liên quan câu chuyện nghĩa vụ tài chính. Theo số liệu trong tổng hợp các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM có hơn 20.000 căn hộ bị treo sổ hồng vì vướng nghĩa vụ tài chính bổ sung hoặc tiền sử dụng đất. Chỉ riêng vướng mắc liên quan đến việc tính nghĩa vụ tài chính bổ sung đã chiếm khoảng 1/4 tổng số dự án đang ách tắc hiện nay (38 dự án bất động sản của 29 doanh nghiệp). Hầu hết các dự án có nghĩa vụ tài chính phát sinh là có thay đổi như điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án so với quy hoạch được duyệt, vì vậy sẽ phải tính thêm nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Chờ câu trả lời của cơ quan chức năng
Đáng nói, việc tính thêm tiền của cơ quan chức năng để trả lời doanh nghiệp lại quá lâu, thậm chí dân đã vào ở mà vẫn phải “ngóng cổ” chờ sổ. Đơn cử như Dự án 8X Thái An (phường 14, quận Gò Vấp) do Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 3.600 m2, đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2016. Nhưng từ đó tới nay, UBND TP.HCM vẫn chưa duyệt giá đất, do vẫn đang xem xét điều chỉnh quyết định chuyển mục đích để xác định có hay không nghĩa vụ tài chính phát sinh, dẫn tới thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân bế tắc.
Ngoài các dự án đang phải chờ tính nghĩa vụ tài chính bổ sung, TP.HCM cũng còn hàng loạt dự án đã bàn giao cho dân vào ở nhiều năm, nhưng bị “ngâm” sổ hồng do cơ quan nhà nước chưa tính được tiền sử dụng đất. Điển hình Dự án Riverside Complex (Khu dân cư và Thương mại hỗn hợp Khải Vy, phường Phú Thuận, quận 7) của Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh, có diện tích 77.000 m2 đang hoàn thiện phần chung cư sắp đưa vào sử dụng. Dự án có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ 2019, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý trình hồ sơ phê duyệt giá đất, mặc dù Công ty đã rất nhiều lần có văn bản kiến nghị đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết sớm thủ tục thẩm định tiền sử dụng đất để Công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Lãnh đạo Sở TNMT TPHCM cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12.2021, đã có 3.249 căn nhà được cấp giấy chứng nhận. Chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà trong dự án trong năm 2022 là 20.000 căn nhà, phấn đấu cấp thêm 3.000 căn nhà.
Đến nay, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã 10.454 căn nhà được cấp Giấy chứng nhận và 5.481 căn nhà đang chờ người mua nhà thực hiện nghĩa vụ tài chính (thông báo lệ phí trước bạ) tại Chi cục Thuế quận, huyện và Thành phố Thủ Đức.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các chi cục thuế quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà. Đồng thời, Sở đề nghị các chủ đầu tư dự án và đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết vướng mắc trong việc này, hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Ngoài ra, Sở TNMT còn đề ra mục tiêu từ ngày 1.3.2022 đến ngày 28.2.2023, tập trung thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho 37.421 căn nhà đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận. Từ ngày 1.3.2023 đến ngày 31.12.2023 tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đối với các dự án có vướng mắc đã được tháo gỡ và các dự án có có văn bản thẩm định mới.