Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/11), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bật tăng sau khi một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu rằng chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát còn lâu mới đến hồi kết. Giá dầu thô giảm mạnh vì nỗi lo lãi suất tăng cao và mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 7,51 điểm, tương đương giảm 0,02%, còn 33.546,32 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số giảm 314 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,31%, còn 3.946,56 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,35%, còn 11.144,96 điểm.
Các chỉ số thoát đáy một phần nhờ cú tăng gần 5% của cổ phiếu Cisco Systems. Công ty thiết bị kết nối mạng công bố kết quả kinh doanh quý 3 vượt dự báo của giới phân tích và đưa ra dự báo lạc quan về quý 4. Các cổ phiếu công nghệ khác như Apple và Intel cũng tăng.
Phiên này, nhà đầu tư nghiền ngẫm các phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh St Louis, ông James Bullard. Nhà hoạch định chính sách tiền tệ này nói “lãi suất chính sách vẫn chưa đạt tới vùng có thể được coi là đủ thắt chặt”.
“Sự thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ có vẻ mới chỉ ảnh hưởng hạn chế đến lạm phát quan sát được, nhưng sự định giá tài sản trên thị trường lại phản ánh kỳ vọng rằng lạm phát sẽ giảm trong năm 2023”, ông Bullard nói thêm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn có độ nhạy cảm cao với lãi suất, tăng mạnh lên mức 4,45% trong phiên ngày thứ Năm. Cú tăng này phản ánh mối lo ngại rằng lãi suất tăng cao sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Thị trường việc làm đang rất thắt chặt. Tôi không biết là có thể tiếp tục kéo lạm phát cao như hiện nay xuống bằng cách nào mà không gây ra sự giảm tốc thực sự trong nền kinh tế. Thậm chí, nền kinh tế có thể suy giảm để chúng ta có thể đạt được mục tiêu lạm phát”, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, bà Esther George nói với tờ Wall Street Journal hôm thứ Tư.
Những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với suy thoái kinh tế cũng chính là những cổ phiếu mất giá nhiều nhất trong S&P 500 phiên này, gồm cổ phiếu nguyên vật liệu cơ bản và tiêu dùng không thiết yếu.
“Chính sách tiền tệ thăt chặt thêm và ảnh hưởng cộng dồn của những đợt tăng lãi suất đã có trong năm nay đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế lên cao. Chúng tôi tiếp tục tin rằng các tiền đề kinh tế vĩ mô cho một cuộc phục hồi bền vững - bao gồm cắt giảm lãi suất, và một mức đáy trong tốc độ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp - rồi sẽ đến lúc xuất hiện, nhưng chưa phải là bây giờ”, Giám đốc đầu tư toàn cầu của UBS Global Wealth Management, ông Mark Haefele, phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,81 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 90,05 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York sụt 3,54 USD/thùng, tương đương giảm 4,1%, còn 82,05 USD/thùng.
“Đang có nhiều nguồn áp lực giảm giá đối với dầu. Số ca nhiễm mới Covid-19 ở Trung Quốc đang tưang lên, lãi suất ở Mỹ tiếp tục tăng, và nhân tố kỹ thuật trên thị trường đang yếu”, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch của BOK Financial, ông Dennis Kissler, nói.
Theo ông Kissler, việc giá dầu thô giao sau ở Mỹ giảm xuống dưới mức bình quân 50 ngày - một ngưỡng kỹ thuật quan trọng, đã khiến các quỹ đầu tư mạnh tay bán ra các hợp đồng dầu. Ông dự báo áp lực bán này sẽ tiếp tục vào đầu tuần tới.
“Thị trường đang thực sự bị chi phối bởi khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu giảm nhiều. Tâm lý của nhà đầu tư đang dịch chuyển theo hướng đi xuống”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nói với hãng tin Reuters.
Nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda cũng cho rằng tình hình Covid của Trung Quốc vẫn là một rủi ro mất giá đối với dầu thô trong ngắn hạn.