Chứng khoán Mỹ mất điểm giữa đàm phán trần nợ, dầu bật tăng sau cảnh báo của Saudi Arabia

24/05/2023 09:45

“Nhiều nhà đầu tư đang tập trung vào cuộc đàm phán trần nợ. Nếu thoả thuận ngày càng khó đạt được, thị trường sẽ chịu sức ép càng lớn"...

chung-khoan-my-1684892940.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (23/5), khi cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ tiếp tục mà chưa đạt được bước tiến nào. Giá dầu thô tăng khá mạnh sau khi Saudi Arabia lên tiếng cảnh báo các nhà giao dịch bán khống.

Tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones đóng cửa với mức giảm 231,07 điểm, tương đương giảm 0,69%, còn 33.055,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,12%, còn 4.145,58 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,26%, còn 12.560,25 điểm.

Chỉ số MSCI All Country World Index đo thị trường 49 quốc gia trên thế giới giảm 0,96%.

Trong cuộc gặp diễn ra vào cuối ngày thứ Hai tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không đạt được thoả thuận nào để nâng trần nợ Mỹ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện nay. Ngày thứ Ba, các trợ lý của hai bên tiếp tục các cuộc thảo luận, trong khi theo cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ, Chính phủ nước này có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6.

“Nhiều nhà đầu tư đang tập trung vào cuộc đàm phán trần nợ. Nếu thoả thuận ngày càng khó đạt được, thị trường sẽ chịu sức ép càng lớn. Nhưng nhà đầu tư vẫn đang hy vọng rằng sẽ có một thoả thuận kịp thời”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.

Áp lực giảm điểm đối với chứng khoán Mỹ phiên này còn đến từ những phát biểu cứng rắn của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - những người giữ quan điểm cho rằng lạm phát còn cao và Fed cần tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt.

“Trong bối cảnh không có một bước tiến thực sự nào trong cuộc đàm phán trần nợ, những tuyên bố diều hâu của các quan chức Fed có tác động đáng kể tới thị trường”, nhà kinh tế học Vishnu Varathan của ngân hàng Mizuho nhận định.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari nói với hãng tin CNBC rằng “lãi suất có thể phải tăng trên 6%” để lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard cũng nói lãi suất có thể cần phải tăng thêm 0,5 điểm phần trăm nữa.

Những phát biểu này khiến các nhà giao dịch đẩy lùi thời điểm mà họ kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất về tháng 11 hoặc tháng 12, thay vì tháng 7 như trước. Ngày thứ Tư, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 5, nơi nhà đầu tư có thể tìm kiếm những dấu hiệu rõ ràng hơn để định hình kỳ vọng về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.

Quan điểm cứng rắn của các quan chức Fed đưa đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt, từ đó gây áp lực giảm lên giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia cảnh báo các nhà đầu cơ rằng OPEC+ có thể cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,85 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 76,84 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 72,91 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu đã tăng khoảng 1% trong phiên ngày thứ Hai nhờ lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong nửa sau của năm.

OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đã bắt đầu thực hiện thoả thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện từ tháng này. Nỗi lo thiếu hụt nguồn cung gia tăng sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia - nước thủ lĩnh của OPEC - cảnh báo các nhà bán khống, những người đặt cược vào sự giảm giá của dầu, rằng Riyadh sẽ đánh bại họ và nói họ hãy “chờ xem”.

Phát biểu này của Saudi Arabia có thể đồng nghĩa rằng OPEC+ có thể cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 4/6 - nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định. Cũng theo nhà phân tích này, giá dầu Brent cần vượt 77,5 USD/thùng để phản ánh một sự dịch chuyển trong tâm lý nhà đầu tư.

“Dĩ nhiên, hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói và các nhà giao dịch vẫn chưa lo sợ gì trước những lời cảnh báo như vậy. Nhưng hai đợt cắt giảm sản lượng lớn trong vòng 1 năm qua của OPEC+ đã khiến thị trường chấn động trong một khoảng thời gian chóng vánh”, ông Erlam nói.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Mỹ mất điểm giữa đàm phán trần nợ, dầu bật tăng sau cảnh báo của Saudi Arabia" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).