Chứng khoán tháng 9 đi vào vùng tích lũy?

07/09/2022 10:30

Các chuyên gia nhận định xu hướng thị trường vẫn tích cực, nền tảng hồi phục kinh tế vẫn tốt là yếu tố hỗ trợ lớn đối với thị trường. Tuy vậy, chứng khoán sẽ đi vào vùng tích lũy nếu muốn bứt phá.

Chứng khoán cần thời gian tích lũy

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Nghiên cứu Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nhận định thị trường sẽ khó khăn hơn trong tháng 8 vì có nhiều rào cản đối với thị trường. Fed có cuộc họp vào giữa tháng và dự báo là tăng 75 điểm cơ bản làm cho tâm lý thị trường thận trọng hơn.

Về việc Fed tăng lãi suất, tác động của động thái này tới thị trường sẽ không còn mạnh như trước nữa. Theo dõi qua khứ, các đợt tăng lãi suất của Fed chỉ tác động mạnh ở những lần đầu sau đó chỉ còn tác động ngắn hạn ở những lần sau. Dự báo là Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi lạm phát ở Mỹ đạt mục tiêu.

Trong tháng 9 này, thị trường có thể đi theo 2 kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, VN-Index sẽ hướng tới mốc 1,300 điểm với điều kiện vượt được mốc 1,285. Ở kịch bản thứ hai, VN-Index đánh mất mốc 1,260 và quay về tích lũy ở vùng 1,250 - 1,260 điểm. Dòng tiền có xu hướng phân hóa chứ không tăng đồng thuận trên toàn thị trường. Ông Minh cho rằng câu chuyện quan trọng là chọn nhóm ngành như thế nào.

Tháng 9 các thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh gần như đã ra hết. Do đó, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chờ đợi kết quả quả quý 3.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Chiến lược CTCK KIS Việt Nam áp lực bán ở 1,300 điểm trước kỳ nghỉ lễ 02/09 đã khiến xu hướng tăng chững lại. Khối lượng giao dịch có phần chững lại trước lễ do tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Tuy vậy, xu hướng thị trường vẫn tích cực, nền tảng hồi phục kinh tế vẫn tốt là yếu tố hỗ trợ lớn đối với thị trường. VN-Index có thể giao dịch trong khoảng 1,300 - 1,400 điểm trong tháng 9.

Ngưỡng 1,300 đang là ngưỡng kháng cự mạnh do trùng với một số đáy lớn trong quá khứ, VN-Index cần thời gian tích lũy để có thể bứt phá.

Rủi ro thị trường hiện tại chủ yếu đến từ thế giới. Khi chứng khoán thế giới giảm mạnh thị trường Việt Nam sẽ điều chỉnh. Nhịp điều chỉnh nếu có chủ yếu là mang tính kỹ thuật.

Chưa phải thời điểm phù hợp để lướt sóng

Theo ông Minh, rủi ro điều chỉnh đột ngột nếu có chủ yếu đến từ lạm phát. Hiện lạm phát trên thế giới vẫn còn cao, nếu lạm phát kéo dài và ngân hàng trung ương Châu Âu tăng lãi suất thì suy thoái ở Châu Âu sẽ kéo dài. Đây là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, kéo theo kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Tuy vậy, lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi cung lương thực trên thế giới đang tăng trở lại, giá dầu và giá hàng hóa cơ bản cũng đang hạ nhiệt. Lưu ý là lạm phát đang hạ nhiệt nhưng chưa hạ quá nhanh.

Một rủi ro khác là hạn mức tín dụng của ngân hàng. Nhóm vốn hóa lớn gồm ngân hàng, bất động sản vẫn là nhân tố chính kéo thị trường đi lên. Ông Minh đánh giá từ nay tới cuối năm, bất động sản khó có sóng. Bên cạnh đó, nếu room tín dụng không được nới thì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, ảnh hưởng tới tâm lý và đà tăng của thị trường thị trường chứng khoán.

Vị chuyên gia cho rằng giai đoạn xấu nhất đã đi qua, thị trường sẽ đi theo xu hướng hồi phục. Tuy vậy, đà đi lên sẽ chậm dạng bậc thang diễn biến sideway rồi tăng rồi tiếp tục sideway. Đây là thời điểm chưa phù hợp để lướt sóng.

Nhà đầu tư nên ưu tiên phòng thủ trong giai đoạn này. Tỷ trọng cổ phiếu tối đa trong danh mục là 50 - 60%. Phần còn lại nên chọn các kênh khác như trái phiếu, tiết kiệm vì lãi suất đang cao.

Đối với cổ phiếu, nhà đầu tư nên chọn các nhóm phòng thủ như điện, nước, thực phẩm, xây dựng - vật liệu xây dựng.

Rủi ro lớn nhất đối với thị trường, theo ông Hiếu đánh giá, vẫn là lạm phát thế giới tăng mạnh. Ngoài ra, chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc có thể dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, giá dầu cao sẽ tác động tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Khi có sụt giảm bất ngờ, ông Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát, tập trung vào dòng tiền. Nếu bên bán mạnh thì nhà đầu tư nên giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu đầu cơ và giữ lại các cổ phiếu cơ bản tốt. Nếu dòng tiền bắt đáy nhảy vào thị trường thì có thể vào theo.

Về phần nhóm ngành, nhà đầu tư có thể chọn nhóm ngân hàng với kỳ vọng nới room tín dụng và triển vọng 2022 khả quan; nhóm bất động sản nhờ chuyển dịch chuỗi sản xuất khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid. Nhóm dầu khí cũng sẽ hưởng lợi khi giá dầu đang ở mức cao và khả năng sẽ tiếp tục được neo cao. Trong đó, nhóm cổ phiếu thượng nguồn được kỳ vọng sẽ có lợi nhuận tốt.

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán tháng 9 đi vào vùng tích lũy?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).