Cienco 8 trúng thầu nhiều dự án
Theo hồ sơ của VietnamFinance có được, trước IPO, Cienco 8 chỉ có vốn điều lệ khoảng 180 tỷ đồng, trong khi, Tổng công ty này có sản lượng thi công hàng năm lên tới 3.000 tỷ đồng với hàng trăm cán bộ công nhân viên.
Nhận thấy những bất cập đó, năm 2013, Bộ GTVT đã đồng ý tăng vốn điều lệ cho Cienco 8 lên 545 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để Cienco 8 đấu thầu và tham gia tại nhiều dự án lớn trong lĩnh vực giao thông.
Nhờ đó, sau IPO, liên danh Cienco 8 - Phúc Lộc đã trúng thầu hàng loạt dự án lớn ví dụ như: dự án cầu Bạch Đằng tại tỉnh Quảng Ninh với tổng mức đầu tư trên 7.600 tỉ đồng. Hay như liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn - Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Cường Thịnh Thi làm dự án cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn với tổng đầu tư 17.800 tỉ đồng;...
Trước đó, liên danh này còn trúng thầu nhiều dự án cầu và đường tại Việt Nam, từ các công trình đường cấp IV, cấp V miền núi đến các công trình đường cao tốc như: Tp. HCM - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội – Thái Nguyên,... các cầu có khẩu độ nhỏ nhất đến các cầu có khẩu độ lớn, công nghệ thi công phức tạp.
Mới đây nhất, Cienco 8 và Tập đoàn Phúc Lộc tiếp tục trúng thầu gói XL 01, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá trị 1.069,5 tỷ đồng.
Cienco 8 là một trong những nhà thầu thi công dự án cầu Bạch Đằng
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án, liên danh Cienco 8 và Phúc Lộc do ông do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cũng đang "mắc kẹt" tại nhiều dự án dự án khủng. Ví dụ như dự án BT sông Cầu Thái Nguyên gần 10.000 tỉ đồng. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 1113/TB-TTCP kết luận UBND Thái Nguyên phê duyệt quyết định đầu tư dự án này trái thẩm quyền.
Hoặc như tại Bình Định, liên danh này có nguy cơ bị thu hồi dự án BT đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án BT cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa.
Tập đoàn Phúc Lộc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thế nào?
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dù trúng thầu thi công xây lắp tại nhiều dự án lớn nhưng năm 2016, liên danh Cienco 8 - Tập đoàn Phúc Lộc bị Bộ GTVT liệt kê vào nhóm "danh sách đen" 26 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, trong danh sách này, Cienco 8 bị cảnh báo ở vị trí thứ 2. Điều này cho thấy, năng lực thi công của Cienco 8 thực sự có vấn đề.
Tuy nhiên, trong năm 2016, Cienco 8 - Phúc Lộc vẫn trúng thầu siêu dự án “Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP” tại Thái Nguyên.
Đây có thể coi là siêu dự án BT với tổng mức đầu tư lên hơn 18.211,61 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng các hạng mục của dự án BT là 9.811,61 tỷ đồng, và chi phí đầu tư các hạng mục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu đô thị 2 bên bờ sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên để thu hồi vốn dự án BT là 8.400 tỷ đồng.
Sau 3 năm triển khai dự án, tháng 10/2019, Tập đoàn Phúc Lộc bất ngờ phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn 12 tháng, cho 1 nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm và không kèm chứng quyền. Mức lãi suất cố định khoảng 11,5%/năm. Số trái phiếu được bảo đảm toàn bộ bằng tài sản của Phúc Lộc và các tổ chức cá nhân khác theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
Hiện tại, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Sở Giao dịch) là đại lý quản lý tài khoản, đại lý thanh toán, đại lý quản lý tài sản bảo đảm một. CTCP Chứng khoán MB (MBS) là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký, đại lý quản lý tài sản bảo đảm hai, đại diện người sở hữu trái phiếu. Được biết, năm 2019, Tập đoàn Phúc Lộc đã thanh toán 5,73 tỷ đồng tiền lãi cho số trái phiếu này.
Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 đang mắc kẹt với dự án BT sông Cầu, Thái Nguyên
Trở lại với siêu dự án BT sông Cầu, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án. Đặc biệt, thời gian đánh giá và thẩm định hồ sơ yêu cầu quá ngắn (chỉ 1 ngày). Điều này, dẫn tới kết quả đánh giá về năng lực; vốn chủ sở hữu thực hiện dự án BT và dự án khác, vốn vay của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định.
Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đủ cơ sở; thẩm định phương án tài chính (thu hồi vốn dự án BT; xác định quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư) thể hiện việc buông lỏng quản lý.
Từ kết quả thanh tra, TTCP đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các vi phạm được phát hiện.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, Tập đoàn Phúc Lộc thành lập năm 2010, trải qua nhiều lần tăng vốn, tính đến cuối năm 2019, công ty có vốn điều lệ 2.689 tỉ đồng Tháng 9/2019, Phúc Lộc đã phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, có đảm bảo và không kèm chứng quyền. Trái phiếu có kì hạn 12 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất 11,5%/năm. Cuối năm 2019, tổng nguồn vốn của Phúc Lộc hơn 3.800 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ đạt hơn 2.800 tỉ đồng; tổng nợ phải trả là 1.018 tỉ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Tập đoàn Phúc Lộc đang sở hữu 19 công ty thành viên, tuy nhiên số ít trong đó là công ty TNHH Phúc Lộc và CTCP Xuất nhập khẩu Phúc Lộc có doanh thu trung bình hằng năm đạt vài trăm tỉ đồng, các công ty còn lại có doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng hoặc không đáng kể. |