Con đường thu phí và nguy cơ sụt giảm người dùng của Zalo

09/08/2022 13:04

Dù chưa chính thức áp dụng thu phí với người dùng cá nhân, nhưng mạng xã hội Zalo (thuộc Công ty Cổ phần VNG) đang nhen nhóm các kế hoạch để “bắt” người dùng cá nhân trả tiền bằng các gói cước đã định hình...

zalo-1660017898.png Những thông tin và kế hoạch mà Zalo đưa ra trong thời gian gần đây, có vẻ như mạng xã hội này đang rất quyết tâm cho việc thu phí người dùng đại trà.

Hiện tại Zalo đang cho người dùng cá nhân dùng thử miễn phí gói Pro (giá 5.500 đồng/ngày) đến ngày 30/8. Trước đó, ngày 26/6, mạng xã hội này cũng đã bắt đầu thu phí với tài khoản dành cho doanh nghiệp (OA Doanh Nghiệp), gồm các gói dùng thử (10.000 đồng), nâng cao (59.000 đồng) và cao cấp (399.000 đồng).

ZALO CHƯA THỂ "SỐNG" BẰNG DOANH THU QUẢNG CÁO

Có thể khẳng định Zalo là mạng xã hội của người Việt thành công nhất tới thời điểm hiện tại và có thể cạnh tranh ngang ngửa với các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube về lượng người dùng tại thị trường Việt Nam. Thậm chí, theo dữ liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng thường xuyên hàng tháng của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2/2022, cao hơn Messenger của Meta/Facebook (67,8 triệu).

Dù vậy, với quy mô mấy chục triệu người dùng trong nước, Zalo vẫn chưa thể “sống” nổi bằng doanh thu quảng cáo như các mạng xã hội Facebook, Youtube… có quy mô toàn cầu. Giám đốc một công ty về nội dung số, trong đó có mạng xã hội với lượng người dùng lên tới hàng triệu của Việt Nam, cho rằng một mạng xã hội quy mô tầm nội địa như Việt Nam thì lượng người dùng không đủ để có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh (thu – chi) theo mô hình quảng cáo.

oanh-1660018180.png  Bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc kinh doanh Cốc Cốc.

"Việc một nền tảng thu phí người dùng là không hề mới trên thị trường.

Nếu bắt đầu thu phí đối với người dùng phổ thông trên chính những tính năng/dịch vụ mà họ đang sử dụng miễn phí thì Zalo có thể đối mặt với nguy cơ mất/sụt giảm người dùng, nhất là khi người dùng chưa sẵn sàng cho việc trả phí và trên thị trường hiện có rất nhiều ứng dụng với chức năng tương tự nhưng không tính phí".

Trong khi đó, theo vị lãnh đạo này, các mạng xã hội toàn cầu như Facebook, Youtube… có lượng người dùng rất lớn, có thể lấy thị trường này bù thị trường kia, có hệ sinh thái hỗ trợ cho nhau mạnh, có dữ liệu người dùng và phân tích dữ liệu người dùng tốt, quảng cáo định hướng được người dùng, đồng thời giá của các mạng xã hội toàn cầu này khá rẻ nên được nhiều doanh nghiệp sử dụng để quảng cáo. Do vậy, các mạng xã hội toàn cầu này vẫn đang “sống khỏe” bằng doanh thu quảng cáo.

Vị giám đốc giấu tên cũng cho rằng Zalo dù có thị phần lớn nhất Việt Nam (như số liệu trên của Bộ Thông tin và Truyền thông - PV), nhưng doanh thu quảng cáo không thể bù đắp được toàn bộ chi phí bỏ ra như vận hành hệ thống kỹ thuật, chi phí marketing, nhân sự… Nói chung là không thể “sống” được bằng mô hình quảng cáo.

Nhìn ở góc độ kinh doanh, bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc kinh doanh Cốc Cốc, cho rằng việc một nền tảng thu phí người dùng là không hề mới trên thị trường. Vào những năm 2009, thời điểm Whatsapp ra mắt, ứng dụng này đã tính 1 USD tiền bảo hiểm đối với người dùng iOS. Tới năm 2013, gói này được thay thế bằng mô hình premium khi tất cả người dùng đều phải trả một khoản phí hàng năm là 0,99 USD để sử dụng dịch vụ. Nhờ đó, công ty đã kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong 9 tháng.

Nguồn thu của các mạng xã hội đa phần đến từ việc bán các dịch vụ quảng cáo. Một số đơn vị có thêm các gói dịch vụ dành cho đối tượng doanh nghiệp. Việc cân đối thu - chi và đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào chiến lược phát triển, quy mô và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp... Tuy nhiên, theo bà Thanh Oanh, một số mạng xã hội như Facebook chẳng hạn, đang sống rất tốt nhờ quảng cáo. Theo công bố ngày 27/7, doanh thu quý 2/2022 của Facebook là từ 26 - 28,5 tỷ USD.

NGUY CƠ SỤT GIẢM NGƯỜI DÙNG

Theo những thông tin và kế hoạch mà Zalo đưa ra trong thời gian gần đây, có vẻ như mạng xã hội này đang rất quyết tâm cho việc thu phí người dùng đại trà. Cụ thể, từ 1/8, Zalo hạn chế một số tính năng, như không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký của người dùng, mỗi tài khoản Zalo chỉ có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại và chỉ được phản hồi 40 hội thoại/tháng... Còn người dùng cá nhân, nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng, có thể nâng cấp lên 3 gói trả phí gồm Standard, Pro và Elite.

Dù vậy, Zalo chỉ mới cho phép đăng ký thử nghiệm gói Pro với giá 5.500 đồng/ngày (dùng thử miễn phí đến hết ngày 30/8) với các lợi ích gồm 120 lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm mỗi tháng, 120 lượt chat với người lạ, hỗ trợ danh bạ tối đa 3.000 liên hệ…

Với 2 gói còn lại gồm Standard (giá 2.800 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày), Zalo chưa ấn định ngày ra mắt.

Vị giám đốc một công ty về nội dung số nói trên phân tích: các mạng xã hội bây giờ muốn tồn tại được (trừ các mạng toàn cầu như Facebook, Youtube…) thì phải có các dịch vụ khác mà dựa trên tập người dùng trên mạng xã hội đó để quy ra tiền, như về thanh toán, cho vay, đặt game trên mạng xã hội,… phương thức mà nhiều mạng xã hội đang làm. Còn việc thu phí người dùng, theo vị giám đốc này, có thể thu được theo dạng cung cấp các tính năng/công cụ đặc biệt cho đối tượng khách hàng đặc biệt như cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các địa phương (như muốn làm ứng dụng quản lý người dân…) để bù đắp chi phí.

zalo-2-1660018266.png Ngày 26/6, mạng xã hội này cũng đã bắt đầu thu phí với tài khoản dành cho doanh nghiệp (OA Doanh Nghiệp), gồm các gói dùng thử (10.000 đồng), nâng cao (59.000 đồng) và cao cấp (399.000 đồng).

Ông cũng cho rằng trong trường hợp Zalo có kế hoạch thu phí người dùng đại trà thì phải tính toán rất thận trọng. Nếu thu thì cũng chỉ có thể với một số nhóm người nhất định được cung cấp/sử dụng những chức năng thật đặc biệt (ví dụ như nhóm người dùng này hàng ngày nhận bản tin tài chính chuyên sâu, hay tính năng bảo mật sâu…) chứ không phải toàn bộ người dùng cá nhân, bởi các mạng xã hội toàn cầu hiện nay cũng không áp dụng việc thu phí với người dùng đại trà. “Chưa kể người Việt lại quen dùng miễn phí nên nếu Zalo thu phí với người dùng đại trà thì chắc chắn không ít người dùng sẽ rời bỏ mạng xã hội này”, vị giám đốc này khẳng định.

Thực tế, ngay khi chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cùng việc vẫn phát hành một phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về mặt tính năng, ứng dụng nhắn tin Internet (OTT), Zalo đã bị người dùng phản ứng mạnh mẽ. Trên kho ứng dụng Google Play, phần mềm chat Zalo bị hứng chịu hàng loạt đánh giá 1 sao. Hầu hết ý kiến người dùng đều tỏ ra bức xúc và cho rằng Zalo vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa xứng đáng để thu phí, đồng thời cho rằng sẽ xóa app Zalo nếu phải đóng phí để chuyển sang app mới.

Bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc kinh doanh Cốc Cốc, cho rằng ở thời điểm hiện tại, Zalo có lượng người dùng khá lớn và ổn định. Tuy nhiên, đa phần người dùng đều thích sử dụng các dịch vụ miễn phí và thời đại tính phí khi gửi tin nhắn văn bản đã qua lâu rồi. Do đó, nếu bắt đầu thu phí đối với người dùng phổ thông trên chính những tính năng/dịch vụ mà họ đang sử dụng miễn phí thì Zalo có thể đối mặt với nguy cơ mất/sụt giảm người dùng, nhất là khi người dùng chưa sẵn sàng cho việc trả phí và trên thị trường hiện có rất nhiều ứng dụng với chức năng tương tự nhưng không tính phí.

Bạn đang đọc bài viết "Con đường thu phí và nguy cơ sụt giảm người dùng của Zalo" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).