Con số 2% có gì đặc biệt, tại sao Fed và nhiều ngân hàng trung ương chọn làm lạm phát mục tiêu?

08/03/2023 16:02

Việc đặt lạm phát mục tiêu ở mức 2% bắt đầu một cách khá ngẫu nhiên, từ ngân hàng trung ương của một quốc gia ít ai ngờ tới là New Zealand.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt mục tiêu lạm phát 2% để ổn định giá cả của nền kinh tế Mỹ. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đều lựa chọn con số trên làm lạm phát mục tiêu.

Theo Bloomberg, với Fed, lạm phát ở mức 2% ứng với mức tăng giá cả vừa phải, không quá nhanh, không quá chậm. Giá cả tăng vừa phải giúp doanh nghiệp tăng cường sản xuất thêm nhiều hàng hóa, nhưng cũng không khiến túi tiền của người tiêu dùng bị ảnh hưởng quá nhiều.

Vậy ai là người quyết định rằng 2% là con số kỳ diệu? Tại sao các ngân hàng trung ương không đặt mục tiêu lạm phát 1%, 3%, 4% hay thậm chí là 0%?

Theo ông Josh Bivens, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI), lạm phát mục tiêu 2% là một “con số tương đối ngẫu nhiên”. Con số này được phát minh tại một nơi ít ai ngờ tới là New Zealand. Sau đó, khoảng “25 đến 30 ngân hàng trung ương” áp dụng cách tiếp cận của New Zealand, và 2% trở thành con số lạm phát mục tiêu được sử dụng rộng rãi.

Khởi đầu từ New Zealand

Fed sử dụng các chính sách tiền tệ để thực hiện nhiệm vụ kép mà Quốc hội Mỹ giao phó là tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả. Ổn định giá cả có thể đạt được với mục tiêu lạm phát nhất định. Fed không có mục tiêu lạm phát chính thức cho đến năm 2012.

Vào những năm 70 và 80, New Zealand là một trong những nước có mức lạm phát cao nhất trong các nền kinh tế phương Tây. Ông Arthur Grimes, cha đẻ của lạm phát mục tiêu, khi đó vừa tốt nghiệp Thạc sĩ tại Học viện Kinh tế London.

Trong giai đoạn này, ngân hàng trung ương New Zealand đang dần trở nên độc lập với chính phủ. Vào thời điểm đó, ông Grimes đã gợi ý rằng nên đặt ra mục tiêu lạm phát rõ ràng để hoàn thành nhiệm vụ của ngân hàng trung ương.

Ban đầu, lạm phát mục tiêu của New Zealand không phải 2%, mà là một khoảng từ -1% đến 1%. Khoảng mục tiêu này sau đó được chuyển thành 0 đến 2%. Và kết quả của việc áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu là ngân hàng trung ương này đã đưa tốc độ tăng giá cả xuống 2% sớm hơn kế hoạch một năm.

Những ngân hàng khác cũng học theo, tiên phong là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

lam-phat-1678242766.png Đặt lạm phát mục tiêu giúp New Zealand kiềm chế đà tăng của giá cả.

Mục tiêu lạm phát trở nên phổ biến vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Đặt lạm phát mục tiêu ở mức 2% giúp cho kỳ vọng của người tiêu dùng được cố định, và khiến thị trưởng ổn định.

Tuy nhiên, chính sách lạm phát mục tiêu cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp ở New Zealand đi lên mức kỷ lục. Phải một thời gian sau khi giá cả bình ổn, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này mới trở lại bình thường.

2% là thấp hay cao?

Một số nhà kinh tế lập luận rằng mục tiêu lạm phát của Fed nên ở mức dưới 2%. Ông Thomas M. Hoenig, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas cho rằng không nên có mục tiêu nào cả, mà lạm phát nên là 0%. “Về lâu dài, [mức lạm phát 0%] là tốt nhất cho nền kinh tế, ông nói. 

Nhà kinh tế học đạt giải Nobel Milton Friedman từng lập luận rằng -2% hoặc -3% là tỷ lệ lạm phát tối ưu. Theo ông Grimes, giảm phát khoảng 1% không phải là vấn đề lớn, bởi con số này chỉ phản ánh thực tế là nhiều hàng hóa, dịch vụ đang rẻ đi.

Một số nhà kinh tế cũng phản đối việc đặt mục tiêu lạm phát cao hơn 2%, bởi họ cho rằng động thái này sẽ dẫn đến việc giá cả ngày một tăng cao, tạo ra bong bóng tài sản.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy lạm phát 3% hoặc 4% gây thiệt hại đáng kể so với 2%. Vào năm 2017, một số nhà kinh tế đã viết một bức thư gửi đến Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của Mỹ (FOMC) nhằm nâng lạm phát mục tiêu lên cao hơn.

Nhà kinh tế học Lawrence Ball cũng là một trong những người ký tên trên bức thư. Theo ông Ball, vào cuối những năm 1980, Chủ tịch Paul Volcker và Fed đã tuyên bố chiến thắng trước lạm phát dù tốc độ tăng giá cả vẫn còn 4%. Sau đó, lạm phát cũng bình ổn quanh mức này trong khoảng vài năm. 

lam-phat-my-1678242874.png Fed từng tuyên bố chiến thắng lạm phát, dù tốc độ tăng giá cả vẫn trên 2%.

Lạm phát mục tiêu quá thấp cũng gây hại

Theo CNBC, có một số lý do khiến Fed muốn lạm phát lớn hơn 0. Thứ nhất, số dương giúp đo lường lạm phát dễ dàng hơn. Thứ hai, nhắm đến lạm phát làm giảm nguy cơ giảm phát. 

Lý do thứ ba, đặt mục tiêu lạm phát lớn hơn 0 giúp Fed có thể cắt giảm lãi suất để cứu nền kinh tế trong trường hợp có suy thoái.

Nếu để mục tiêu lạm phát quá thấp, trong trường hợp có suy thoái, Fed sẽ không thể cắt giảm lãi suất cơ bản quá sâu để thúc đẩy nền kinh tế. Chẳng hạn, với lạm phát mục tiêu bằng 2%, khi Fed đặt lãi suất chính sách bằng 0, thì lãi suất thực tế sẽ là -2%. 

Tuy nhiên, khi cần đến một mức lãi suất thấp hơn nữa để thúc đẩy thị trường lao động, chấm dứt tình trạng suy thoái, Fed cũng chẳng thể đẩy lãi suất chính sách xuống dưới 0. Mức lãi suất âm sẽ khiến ngân hàng không muốn cho vay tiền.

lai-suat-1678242926.png Fed có thể cắt giảm lãi suất nhằm cứu nền kinh tế khỏi suy thoái.

Những người ủng hộ lạm phát mục tiêu cao hơn chỉ ra rằng trong giai đoạn từ 2009 đến 2019, Fed tuyên bố mục tiêu lạm phát 2%, nhưng đều nhiều lần bỏ lỡ cột mốc này. Lạm phát đã không xuống mức 2% trong một khoảng thời gian tương đối dài.

Bức thư của các nhà kinh tế vào năm 2017 cũng lập luận rằng không có đủ bằng chứng để khẳng định lạm phát ở mức vừa phải sẽ gây tổn hại cho cuộc sống người dân Mỹ. Khi lạm phát cao hơn, thị trường lao động sẽ sôi động hơn, và cải thiện mức sống.

Kể từ sau đại dịch, Fed đã thay thế mục tiêu lạm phát 2% bằng một số ngôn ngữ linh hoạt hơn. Thay cho lạm phát mục tiêu, Fed gọi cột mốc này là lạm phát mục tiêu trung bình. 

Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng việc Fed thay đổi mục tiêu bình ổn giá cả sẽ là một thảm họa về mặt truyền thông. Fed đã để mất uy tín khi cho phép lạm phát vọt lên 9,1% vào tháng 6 năm ngoái. Bởi vậy, theo CNBC, lạm phát mục tiêu ở mức 2% của Fed sẽ không thay đổi trong tương lai gần.

Nhà kinh tế Josh Bivens tin rằng khi ông nghỉ hưu, mục tiêu của Fed vẫn sẽ là 2%. Tuy nhiên, ông cũng cho biết một số người có ảnh hưởng khá lớn trong hệ thống ngân hàng trung ương ủng hộ mục tiêu lạm phát cao hơn.

cpi-1678242987.png Năm 2022, lạm phát tại Mỹ vọt lên trên 9%, ở khu vực Eurozone vượt 10%, Việt Nam duy trì dưới 5%.

Bạn đang đọc bài viết "Con số 2% có gì đặc biệt, tại sao Fed và nhiều ngân hàng trung ương chọn làm lạm phát mục tiêu?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).