Các công ty kinh doanh bảo hiểm thường được biết đến có lượng tiền nhàn rỗi lớn từ khách hàng và thường đem các nguồn tiền này đầu tư vào các kênh tài sản sinh lợi khác nhau như gửi ngân hàng, mua trái phiếu, cổ phiếu...
Trong môi trường lãi suất huy động đang liên tục tăng nhanh trong thời gian vừa qua, thậm chí có một số ngân hàng đã nâng biểu lãi suất vượt 10%/năm, giới đầu tư kỳ vọng công ty bảo hiểm sẽ được kỳ vọng hưởng lợi từ biến động này.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III mới công bố của các công ty bảo hiểm lại chưa thể hiện được yếu tố trên, thậm chí một số đơn vị còn ghi nhận tín hiệu tiêu cực từ các khoản đầu tư cổ phiếu.
Chia sẻ về vấn đề này, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng tin rằng có nhiều nhà đầu tư suy luận rằng lãi suất tăng thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có lợi, nhưng đó mới chỉ là một góc nhìn.
"Mọi người mới chỉ nhìn về các phần tài sản liên quan đến thu nhập cố định của doanh nghiệp bảo hiểm, ví dụ họ có tiền gửi ngân hàng thì có thể thu lãi nhiều hơn từ lãi suất tăng", ông nói.
Vị chuyên gia lưu ý, ở một khía cạnh khác, phần đầu tư vào chứng khoán sẽ giảm ngược lại bởi lãi suất tăng thì chứng khoán sẽ giảm theo, danh mục đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp có thể bị giảm tương ứng.
Do vậy, trong những trường hợp lãi suất tăng, các công ty bảo hiểm có danh mục đầu tư chứng khoán lớn và cổ phiếu bị giảm mạnh thì đôi khi lại không có kết quả kinh doanh tốt.
Công ty | Danh mục tại 30/9 (tỷ đồng) | Trích lập dự phòng | Danh mục tại 31/12/2021 | Trích lập dự phòng |
Bảo Việt | 2.632 | 310 | 2.242 | 46 |
PVI | 1.555 | 37 | 952 | 37 |
Bảo Minh | 108 | 37 | 102 | 18 |
Bảo Long | 64 | 9 | 82 | 4 |
Pjico | 58 | 11 | 60 | 1 |
Thực tế, theo báo cáo quý III, Tập đoàn Bảo Việt báo cáo doanh thu tài chính tăng 21% lên 2.474 tỷ đồng. Phần lớn đến từ lãi tiền gửi ngân hàng chiếm 1.406 tỷ (tăng 26%) và lãi từ đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu là 868 tỷ (tăng 24%).
Trong khi với khoản đầu tư chứng khoán, Bảo Việt đã thực hiện chốt lời ròng 6 tỷ nhưng đồng thời phải trích lập dự phòng 64 tỷ đồng. Tổng giá trị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là hơn 2.600 tỷ với khoản dự phòng giảm giá 310 tỷ đồng, tức tạm lỗ gần 12% trên danh mục.
Hay PVI cũng tương tự chốt lời được 26 tỷ đồng từ cổ phiếu (cùng kỳ lãi 33 tỷ) và đồng thời phải trích lập dự phòng hơn 3 tỷ đồng đối với các chứng khoán còn lại (cùng kỳ chỉ trích lập hơn 600 triệu đồng). Tổng quy mô danh mục cổ phiếu và trái phiếu 1.555 tỷ đồng tại cuối tháng 9, trong đó đang trích lập dự phòng giảm giá 37 tỷ đồng.
Tại Bảo hiểm Bảo Long, doanh nghiệp có quy mô danh mục chứng khoán nhỏ hơn với chỉ gần 64 tỷ đồng, tuy nhiên đang phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 9 tỷ đồng, tức tạm lỗ khoảng 14%.
Bảo hiểm Bảo Minh ghi nhận giá trị các khoản đầu tư cổ phiếu ngắn hạn gần 108 tỷ đồng, tuy nhiên phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 37 tỷ đồng, tạm lỗ trên danh mục khoảng 34%.
Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) có đầu tư khoảng 58 tỷ đồng vào các cổ phiếu niêm yết tại cuối tháng 9 và đang phải trích lập dự phòng gần 10 tỷ đồng. Trong khi thời điểm cuối năm ngoái chỉ trích lập 1,4 tỷ trên danh mục chứng khoán 60 tỷ đồng.
Các công ty bảo hiểm khác lại chủ yếu sử dụng tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm ngân hàng và các kênh sinh lời chủ động, thậm chí không đầu tư cổ phiếu như Bảo hiểm Quân đội hay Bảo hiểm Agribank.