Công ty chứng khoán của nhóm An Phát làm ăn thế nào?

24/05/2022 10:57

Về lý thuyết, cơ cấu cổ đông Stanley Brothers khá pha loãng với nhiều cổ đông nhỏ lẻ. Dù vậy, đáng chú ý, công ty chứng khoán này lại có nhiều thương vụ tư vấn chào bán cổ phần, cũng như một số khoản đầu tư liên quan đến thành viên nhóm An Phát.

Động thái “lạ” của Chứng khoán Stanley Brothers

Hồi tháng 3/2021, đội ngũ phân tích Công ty Cổ phần (CTCP) Chứng khoán Stanley Brothers đã đưa ra báo cáo cập nhập nhóm Tập đoàn An Phát. Theo đó, Stanley Brothers khuyến nghị giá mục tiêu HII đạt 25.700 đồng/cổ phần, AAA giá mục tiêu 24.000 đồng/cổ phần, NHH giá mục tiêu 61.600 đồng/cổ phần, và APH mục tiêu 60.700 đồng/cổ phần.

Tháng 3/2022, Stanley Brothers tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu APH giá mục tiêu 54.300 đồng/CP.

Đáng chú ý, bản thân chính Stanley Brother cũng nắm 2 cổ phiếu APH và NHH từ năm 2020 với tổng giá vốn lần lượt là 4,48 tỷ đồng và 44,99 tỷ đồng. Nhưng ngay trong chính năm 2021, công ty chứng khoán này đã thực hiện chốt lời khi bán toàn bộ số cổ phiếu kể trên, thu về hơn 61,4 tỷ đồng, tương đương lãi hơn 11,9 tỷ đồng (tức 23,43%) chỉ trong vòng 2 năm.

Được biết, Stanley Brothers là công ty chứng khoán ít nhiều liên quan đến chính nhóm APH.

Stanley Brothers về tay nhóm An Phát thế nào?

Dữ liệu cho thấy, Stanley Brothers (HoSE: VUA) tiền thân là CTCP Chứng khoán Toàn Cầu (thành lập vào giữa tháng 1/2008) và từng thuộc sở hữu của Hasco Group. Giữa năm 2018, các cổ đông thuộc Hasco là ông bà Trần Đức Chiến, Nguyễn Thị Thu Hòa, Trần Đức Minh, Nguyễn Thị Ánh và ông Nguyễn Đức Thuận đã thoái 80% vốn công ty.

Tháng 12/2018, VUA tăng mạnh vốn điều lệ lên 339 tỷ đồng và giữ nguyên đến thời điểm hiện tại. Tại thời điểm này, VUA có 8 cổ đông mới với cùng tỉ lệ sở hữu 4,98% công ty, gồm: bà Đào Thị Bích, Nguyễn Thị Tuyết, Hoàng Phương Hằng, Luyện Quang Thắng, Phạm Thị Dung, Vũ Hồng Thắng, Nguyễn Thúy Hà, Phạm Thị Ánh. Tính ra, nhóm này nắm gần 40% vốn VUA.

Hiện tại theo dữ liệu tìm hiểu cho thấy, chỉ duy nhất bà Hoàng Phương Hằng còn nắm 4,98% vốn công ty tính đến cuối năm 2021.

Được biết, bà Hằng từng là thành viên Ban kiểm soát CTCP An Tiến Industries (HOSE: HII) – thành viên thuộc CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (HOSE: APH), nhân viên tại CTCP Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA) – một thành viên khác của APH.

Ngoài các khoản đầu tư nắm giữ cổ phần tại APH, NHH, Stanley Brothers tại ngày 31/12/2021 ghi nhận khoản vay tín chấp ngắn hạn trị giá 40 tỷ đồng đối với HII. Thời hạn vay 180 ngày, lãi suất 9%/năm.

Ngoài ra, Stanley Brothers còn sở hữu 326,4 triệu đồng giá trị trái phiếu của APH; nắm 2,17 tỷ đồng trái phiếu CTCP An Phát Finance – một thành viên khác thuộc nhóm APH.

Đáng chú ý, Stanley Brothers cũng là bên tư vấn chào bán chứng khoán ra công chúng cho chính NHH và AAA – các đơn vị trong nhóm APH.

Hiện tại, HĐQT VUA có 3 thành viên gồm: ông Phạm Hoàng Hải (sinh năm 1990), Nguyễn Quang Anh (sinh năm 1978) và Luyện Quang Thắng (sinh năm 1994) – cũng là cổ đông nắm 0,88% vốn VUA.

Đây đều là các cá nhân có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính.

Cụ thể, ông Luyện Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Stanley Brothers, từng là Trợ lý Kiểm toán viên tại Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam (8/2016 – 6/2017).

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Anh – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VUA, từng có nhiều năm gắn bó với CTCP Chứng khoán EuroCapital (ECC) và làm đến chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Phó Ban tài chính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Trưởng phòng kế hoạch hiệu suất Khối quản trị tài chính Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Với tân thành viên HĐQT Phạm Hoàng Hải, ông từng là chuyên viên tín dụng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giai đoạn tháng 3/2014 – tháng 10/2015; chuyên viên tư vấn đầu tư Chứng khoán VnDirect giai đoạn tháng 1/2016 – tháng 1/2019 và từ tháng 2/2019 là công tác tại phòng Khách hàng doanh nghiệp của Stanley Brothers.

Trong năm 2021, doanh thu hoạt động Stanley Brothers đạt 114,3 tỷ đồng, tăng 81,9% so với năm 2020. Lãi ròng 19,4 tỷ đồng, giảm 20%.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VUA tại ngày 31/12/2021 đạt 428,9 tỷ đồng, tăng 13,8% so với số đầu năm. Trong đó, công ty ghi nhận 84,2 tỷ đồng tiền mặt, 40 tỷ đồng tài sản FVTPL và 246,3 tỷ đồng số dư các khoản cho vay.

Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu chiếm chủ yếu với 339 tỷ đồng từ vốn góp và 21,6 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Trong khi đó, nợ phải trả công ty chỉ vỏn vẹn 64,4 tỷ đồng.

Năm 2022, VUA lên kế hoạch doanh thu thuần 180 tỷ đồng, tăng 57,4% so với thực hiện năm 2021; lãi sau thuế 60 tỷ đồng, tăng 208,7%. Bên cạnh đó, công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 30%, huy động 500 tỷ đồng từ vay ngân hàng, các định chế tài chính và phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Bạn đang đọc bài viết "Công ty chứng khoán của nhóm An Phát làm ăn thế nào?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).