Nắm trong tay nhiều dự án trọng điểm
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực: Du lịch , bất động sản, đầu tư, xây dựng,… được đánh giá nằm trong “top đầu” của tỉnh Vĩnh Phúc. Đơn vị là chủ đầu tư hoặc tham gia không ít dự án lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, có thể kể đến như KĐT sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, công trình đường song song đường sắt tại thành phố Vĩnh Yên, KĐT sinh thái Bắc Đầm Vạc…
Có thể thấy, với tiềm lực lớn, không lấy làm lạ khi tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn Công ty Sông Hồng Thủ Đô làm các dự án trọng điểm. Thế nhưng, không ít các dự án trọng điểm có sự góp mặt của doanh nghiệp này lại xuất hiện nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.
Hai trong số các dự án trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc thuộc trường hợp này có thể thể kể đến như: Dự án đầu tư xây dựng công trình quảng trường - công viên tỉnh Vĩnh Phúc và Dự án công trình cầu - đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên. Cả 2 dự án đều do Công ty Cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô) làm chủ đầu tư.
Tháng 10/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 280 tỷ đồng (dự án thành phần 1 là 105,8 tỷ đồng và dự án thành phần 2 là gần 174,2 tỷ đồng). Khu Công viên Quảng trường của tỉnh này được xây dựng trên quy mô 30ha. Bao gồm nhiều hạng mục: Khu quảng trường phía Bắc với 8,87ha; khu công viên phía Nam với diện tích 17,42ha. Dự án được chia tách ra thành 2 thành phần để thực hiện và thanh toán theo kiểu "cuốn chiếu".
Dự án Công viên Quảng trường Vĩnh Phúc từng dính không ít lùm xùm
Thành phần 1 của Dự án Công viên quảng trường Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 105,8 tỷ đồng có khối lượng lớn công việc. Tuy nhiên, Công ty Sông Hồng Thủ Đô thực hiện trong thời gian vỏn vẹn 2 tháng (từ 28/11/2012 đến 28/1/2013) thì Sở Xây dựng Vĩnh Phúc - đại diện tỉnh Vĩnh Phúc và một số cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán cho nhà đầu tư.
Tháng 2/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt khối lượng hoàn thành mới đạt trên 74,9 tỷ đồng, tức là chưa đạt khối lượng với tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là trên 105,8 tỷ đồng.
Tiếp đó là Dự án cầu - đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên nằm trong quần thể hạ tầng dự án khu đô thị Nam Vĩnh Yên do Công ty Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư. Từ năm 2010, dự án này đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết nguồn vốn đầu tư bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, tức nguồn vốn xây dựng công trình này đã được Sở Tài chính Vĩnh Phúc tính toán vào số tiền sử dụng đất chủ đầu tư khu đô thị Nam Vĩnh Yên phải nộp.
Thế nhưng, năm 2012, Sở Tài chính Vĩnh Phúc với tư cách là cơ quan đề nghị lại trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt chính con đường này bằng tiền ngân sách. Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý và triển khai con đường này (lần 2) bằng dự án BT, lấy tiền từ ngân sách để thanh toán và đã thanh toán tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng cho nhà đầu tư.
Như vậy, chỉ với một dự án cầu - đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên, ở các thời điểm khác nhau, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cả nguồn vốn theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng và cả chi ngân sách hơn 45 tỷ đồng trả cho nhà đầu tư, tức thanh toán tiền đầu tư hai lần.
Chính quyền địa phương “làm ngơ” sai phạm?
Chưa dừng lại ở đó, xuất hiện thêm nhiều thông tin phản ánh về việc tòa nhà Minh Quân Building xây dựng trái phép, vượt mặt cơ quan chức năng gây bức xúc dư luận.
Tòa nhà này nằm trong khu đô thị Nam Đầm Vạc, tọa lạc tại cửa ngõ phía Nam của Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên bao gồm khu vui chơi giải trí, công viên, hồ nước, sân golf... Đặc biệt, khu đô thị này xây dựng nhiều hạng mục như khách sạn 5 sao, bến du thuyền, chung cư, nhà phố thương mại. Chủ đầu tư tiếp tục là Công ty Sông Hồng Thủ Đô.
Trong đó, nhà phố thương mại sở hữu diện tích 124m2, được cấp phép xây dựng từ 4 - 4,5 tầng. Tuy nhiên, tòa nhà Minh Quân Building trong khu đô thị Nam Đầm Vạc đã xây trái phép vượt thành 7 tầng.
Dù chỉ được xây 4,5 tầng, tòa nhà Minh Quân Building của Công ty Sông Hồng Thủ Đô lại vượt lên thành 7 tầng
Liên quan đến vụ việc, tháng 4 năm 2019, ông Tạ Đức Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Sông Hồng Thủ Đô thẳng thắn trao đổi với báo chí: “Tòa nhà Minh Quân Building xây dựng là 7 tầng, vượt 2 tầng theo quy định. Về việc này, chúng tôi đã có tờ trình gửi sang Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc xin phép điều chỉnh quy hoạch và ý kiến thẩm định từ phía Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt”.
Có thể thấy, thay vì tháo dỡ phần công trình xây vượt tầng trái phép, Công ty Sông Hồng Thủ Đô thực hiện “hợp pháp hóa” sai phạm bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch. Quả thật, nếu Công ty Sông Hồng Thủ Đô không phải là "con cưng" của Vĩnh Phúc mà là một cá nhân khác, có hành vi sai phạm tương tự thì có được sự ưu ái này?
Chưa kể gần đây nhất, liên quan đến Dự án KĐT sinh thái Bắc Đầm Vạc, Công ty Sông Hồng Thủ Đô cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc “ưu ái” cho điều chỉnh quy hoạch, tách 5,6ha quỹ đất nhà ở xã hội ra khỏi dự án, đổi thành đất dịch vụ giao cho UBND phường Đống Đa quản lý, dù quỹ đất nhà ở xã hội tại Vĩnh Phúc đang thiếu trầm trọng.
Liệu rằng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô nắm trong tay nhiều dự án lớn của Vĩnh Phúc có đang được đà lấn tới, bởi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc che chở, ngó lơ những dấu hiệu vi phạm pháp luật?