Đưa tiêu chí "khó" hạn chế các nhà thầu?
Báo Công Thương nhận được phản ánh của Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Nhất Tín Phát (Công ty Nhất Tín Phát, số 231 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), phản ánh về việc Công ty Điện lực Bắc Kạn (số 1 Trường Chinh, Phùng Chí Kiên, Bắc Kạn) về việc: Qua cổng thông tin điện tử dgts.moj.gov.vn, doanh nghiệp được biết Công ty Điện lực Bắc Kạn đang tiến hành thanh lý lô vật tư thiết bị lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng, vật tư thiết bị công cụ dụng cụ, tài sản cố định thu hồi kém, mất phẩm chất đợt 1 năm 2022 với giá khởi điểm là 2.183.874.343 bằng hình thức đấu giá trực tiếp theo phương thức trả giá lên. Đơn vị được lựa chọn để tiến hành tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam (Công ty Đấu giá Việt Nam).
Đồng thời, qua phản ánh cho biết, Công ty Đấu giá Việt Nam đã ban hành Thông báo đấu giá số 583/2022/TB-ĐGVN trong đó nêu rõ quy định chỉ những đơn vị, tổ chức có giấy phép xử lý chất thải nguy hại chứa mã 170201, 190203, 170304, 160113, 160106 mới đủ điều kiện mua hồ sơ và tham gia đấu giá lô tài sản này.
Công ty Nhất Tín Phát cho rằng, trong số các mã chất thải nguy hại nói trên có 2 mã 190203 và 170201 là những mã hiếm, có rất ít đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải được phép xử lý những mã này. Bản thân những chất thải dạng này không phải là những chất thải thông thường mà chỉ những doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn mới có những chất chất thải như vậy. Số lượng những doanh nghiệp như vậy ở Việt Nam là rất ít. Trong khi đó, những chất này không được đưa bán thanh lý.
"Ngoài ra, những chất thải này phải được doanh nghiệp chủ sở hữu đem thí nghiệm ngưỡng chất thải nguy hại và phân loại cũng như bảo quản xử lý theo đúng quy định về an toàn, vệ sinh môi trường."- phản ánh cho biết.
Đồng thời, Công ty Nhất Tín Phát còn cho rằng: Theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định: Mã 190203 được nêu rõ là các thiết bị điện, điện tử thải và chất thải từ hoạt động sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử (trừ các loại nêu tại nhóm mã 15 và 16) có nghĩa là các nhóm 190203 chỉ áp dụng cho đơn vị hoạt động sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử (ví dụ như: Samsung, Hanel, Deawoo...) và không được đưa bán thanh lý. Mã 170201 được nêu là dầu động cơ, hộp số và bôi trơn gốc khoáng cơ clo thải. Những tài sản chứa chất thải nguy hại dạng này phải được chủ tài sản thí nghiệm ngưỡng chất thải nguy hại và phân loại bảo quản theo đúng quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ trên, Công ty Nhất Tín Phát đặt ra nghi vấn phải chăng Điện lực Bắc Kạn và Công ty Đấu giá Việt Nam có "cài cắm" các quy định, tiêu chí dự thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khi đưa mã xử lý chất thải này vào trong thông báo của cuộc đấu giá nhằm hạn chế số lượng tổ chức đơn vị hoặc cá nhân tham gia đấu giá, có dấu hiệu cấu kết nhằm dìm giá trị của lô tài sản và động cơ lợi ích nhóm. Những hành vi trên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định Luật đấu giá tài sản, pháp luật liên quan, qua đó gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, Công ty Nhất Tín Phát cho biết, sẵn sàng và cam kết mua lô tài sản trên ở mức giá 3,6 tỷ. Do đó, nếu Điện lực Bắc Kạn và Công ty Đấu giá Việt Nam bán thanh lý lô tài sản này dưới mức giá nói trên là có dấu hiệu cố ý làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, Công ty Nhất Tín Phát cho biết công ty và nhiều doanh nghiệp khác đã bị đặt ra quá nhiều khó khăn và trở ngại ngay từ việc tìm hiểu, tiếp cận thông tin và tham gia gói đấu giá nói trên.
Điện lực Bắc Kạn lên tiếng
Để làm rõ phản ánh, ngày 24/8, Báo Công Thương đã có Công văn số 384/BaoCT-ĐT gửi Công ty Điện lực Bắc Kạn để xác minh các vấn đề liên quan.
Ngày 5/9, Ông Ngô Văn Gia, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Kạn ký Công văn số 1592/PCBK-VP trả lời Báo Công Thương về các vấn đề trên.
Theo đó, đối với việc đưa ra tiêu chí khi thông báo đơn vị, tổ chức phải có giấy phép xử lý chất thải nguy hại chứa ít nhất 2 mã 19 02 03 và 17 02 01 mới đủ điều kiện mua hồ sơ và tham gia đấu giá lô tài sản, Công ty Điện lực Bắc Kạn cho biết, tháng 7/2022, đơn vị này thực hiện thanh, xử lý lô vật tư, tài sản đợt 1 năm 2022, trình tự thủ tục lựa chọn đơn vị đấu giá được thực hiện đấu thầu theo quy định và được thực hiện tại trang https://dgts.moj.gov.vn/.
Theo kết quả đấu thầu, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam là đơn vị trúng thầu và Công ty Điện lực Bắc Kạn đã ký kết hợp đồng với Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam để thực hiện ủy quyền đấu giá lô vật tư thanh xử lý đợt 1 năm 2022. Các bước lập hồ sơ thanh xử lý vật tư tài sản đợt 1 năm 2022 và lựa chọn đơn vị đấu giá, thực hiện đấu giá... được Công ty Điện lực Bắc Kạn thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của ngành và của Nhà nước.
"Việc áp mã chất thải nguy hại 19 02 03 và 17 02 01 được Công ty Điện lực Bắc Kạn căn cứ theo “Sổ đăng ký chủ nguồn thải nguy hại chất thải nguy hại” do Sở Tài nguyên& Môi trường Bắc Kạn cấp và Biên bản làm việc giữa Công ty Điện lực Bắc Kạn với Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 09 tháng 5 năm 2022 để xác định chất thải nguy hại và các mã chất thải nguy hại kèm theo"- Công văn của Công ty Điện lực Bắc Kạn cho biết.
Liên quan vấn đề giải pháp để xử lý kiến nghị của nhà thầu giúp khắc phục các hạn chế, thiếu xót. Điện lực Bắc Kạn cho rằng, ngày 09/8/2022, Công ty Đấu giá Việt Nam có Văn bản số 709-2022/CV-ĐGVN thông báo cho Công ty Điện lực Bắc Kạn về việc chỉ có 01 khách hàng tham gia đấu giá. Căn cứ Điều 05 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, phiên đấu giá tài sản ngày 11/8/2022 không thực hiện được do không đủ từ 02 khách hàng tham gia. Vì đấu giá không thành công nên hiện nay Công ty Điện lực Bắc Kạn đang thực hiện rà soát toàn bộ hồ sơ thanh xử lý vật tư tài sản đợt 1 năm 2022 để thực hiện tiếp việc đấu giá.