Công ty Năng Lượng Việt: Bất thường về năng lực trong đấu thầu đến nợ tăng dần?

17/11/2022 09:49

Ngoài những bất thường về năng lực tại gói thầu xây lắp trị giá hơn 54 tỷ đồng, khi nghiên cứu sâu hơn về “sức khỏe” của công ty Năng Lượng Việt thông qua các con số báo cáo tài chính cũng có thể thấy nhiều chỉ báo xấu.

Tỷ lệ trúng thầu thấp và bất thường tại gói thầu hơn 54 tỷ đồng

Thành lập vào tháng 07/2012, công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Năng Lượng Việt (VPW –gọi tắt là công ty Năng Lượng Việt - PV) có mã số thuế: 0311876216; địa chỉ trụ sở 106/45/30 đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Định hướng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và cung cấp dịch vụ kỹ thuật liên quan đến các dự án năng lượng sạch và nông nghiệp công nghệ cao có gắn liền với sự phát triển cộng đồng dân cư địa phương.

Với tư cách nhà thầu, doanh nghiệp này đã tham gia 138 gói thầu, trong đó trúng 30 gói, trượt 77 gói, 16 chưa có kết quả, 15 gói đã bị huỷ; tổng giá trị trúng thầu: 147.921.243.516 đồng (Bằng chữ: Một trăm bốn mươi bảy tỷ, chín trăm hai mươi mốt triệu, hai trăm bốn mươi ba nghìn, năm trăm mười sáu đồng).

Tháng 03/2022, công ty Năng Lượng Việt trúng gói thầu 09: “Cung cấp và xây dựng lắp đặt vật tư thiết bị toàn trạm, bao gồm tính toán chỉnh định rơle, lập phương thức đóng điện, vận hành và xử lý sự cố, hệ thống camera giám sát, PCCC” trị giá 54.646.333.016 đồng (Bằng chữ: Năm mươi tư tỷ, sáu trăm bốn mươi sáu triệu, ba trăm ba mươi ba nghìn, không trăm mười sáu đồng) do ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư.

yeu-cau-ve-goi-thau-1668651598.jpg
Yêu cầu của hồ sơ mời thầu về doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng (phần khoanh vàng) và doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng trong 3 năm 2018-2020 của công ty Năng Lượng Việt (phần khoanh đỏ).

Tại gói thầu này, dấu hỏi về năng lực tài chính của công ty Năng Lượng Việt được đặt ra khi theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải thỏa mãn doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng trong ba năm 2018 – 2020 là 83.900.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu báo cáo đánh giá tại gói thầu “Thay MBA T1-25MVA thành 40MVA trạm 110kV Ninh Hải” do công ty Điện lực Ninh Thuận làm chủ đầu tư, phóng viên nhận thấy, doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng trong 3 năm 2018, 2019, 2020 của công ty Năng Lượng Việt chỉ là 37.166.666.666 đồng” (Bằng chữ: Ba mươi bảy tỷ, một trăm sáu mươi sáu triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng), thấp hơn nhiều so với yêu cầu của gói thầu 09.

Được biết, ngay sau khi trúng gói thầu 09, ngày 19/04/2022, doanh nghiệp này lập tức đem toàn bộ các Khoản phải thu phát sinh từ Hợp đồng số 05/2022/HĐ-AĐLMN-NLV ký ngày 04/04/2022 giữa Tổng công ty Điện lực Miền nam TNHH – Ban quản lý dự án Điện lực Miền Nam và Công ty TNHH TM DV XD Năng Lượng Việt; về việc thực hiện gói 09: Cung cấp và Xây dựng lắp đặt vật tư thiết bị toàn trạm, bao gồm tính toán chỉnh định rơle, lập phương thức đóng điện, vận hành và xử ký sự cố, hệ thống camera giám sát, PCCC thuộc Công trình Trạm 110kV Bảo Lộc 2 và đường dây nối, tỉnh Lâm Đồng để thế chấp cho khoản vay của mình tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Lợi nhuận, doanh thu sụt giảm

Theo nghiên cứu tìm hiểu, năm 2018, công ty Năng Lượng Việt ghi nhận doanh thu đạt 79,285 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đưa về trên sổ sách chỉ gần 2,844 tỷ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu tăng vọt lên đến 185,094 tỷ đồng, tăng 133,5%, tương ứng 105,812 tỷ đồng so với cùng kỳ, thế nhưng lãi ròng cuối năm 2019 chỉ dừng lại tại 7,641 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu và lợi nhuận của Công ty này năm 2020 tụt dốc, doanh thu đạt 22,815 tỷ đồng, giảm 87,67%, tương ứng 162,279 tỷ đồng so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đưa về chỉ vỏn vẹn 0,558 tỷ đồng.

ket-qua-kinh-doanh-cua-cong-ty-tnhh-thuong-mai-dich-vu-xay-dung-nang-luong-viet-1668651676.png
 

Lũy kế cho cả giai đoạn 2018-2020, công ty Năng Lượng Việt đưa về 287,191 tỷ đồng doanh thu và 11,043 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 0,038, cho thấy tròng vòng 3 năm, Công ty này cứ 1 đồng doanh thu thuần chỉ tạo ra 0,038 đồng lợi nhuận ròng.

Lưu ý rằng, tỷ suất sinh lời trên doanh thu là một tỷ số tài chính được sử dụng đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp tính trên mỗi đồng doanh thu. Nếu tỷ suất sinh lời trên doanh thu càng gần về 0, càng cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp. Sản xuất kinh doanh diễn ra, tuy nhiên lại không mang về lợi nhuận ròng đáng kể, từ đó, sẽ không có ngân sách để tái sản xuất, cũng như phát triển mở rộng quy mô doanh nghiệp.

Tỷ suất sinh lợi thấp là điều doanh nghiệp không mong muốn. Nhưng ở góc độ khác, lợi nhuận ít ỏi cũng giúp cho công ty Năng Lượng Việt hạn chế được độ lớn của hóa đơn thuế.

Tỷ lệ nợ cao dần

Ngoài các con số kinh doanh, một trong nhưng điểm đáng chú ý khác trong số liệu tài chính của Năng Lượng Việt là diễn biến xấu dần đi của cơ cấu tài chính, khi nợ phải trả tăng lên trong khi vốn chủ sở hữu lại biến động không đáng kể.

Theo báo cáo tài chính đã soát xét năm 2020, tổng tài sản của doanh nghiệp này tăng từ 41,780 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 48,226 tỷ đồng vào cuối năm (tăng 15,43%). Tuy nhiên, khối tài sản này lại được hình thành chủ yếu từ tài sản dài hạn lên tới 25,925 tỷ đồng, tăng 97% so với đầu năm, chiếm tới 53,75% tổng tài sản.

Trong khi đó, xu hướng của quy mô nợ lại diễn biến tăng lên, với giá trị nợ phải trả đã tăng từ 24,012 tỷ đồng thời điểm đầu năm, lên mức 32,511 tỷ đồng vào cuối năm 2020 (tăng 35,4%).

no-phai-tra-tang-len-trong-khi-von-chu-so-huu-bien-dong-khong-dang-ke-co-cau-tai-chinh-cua-cong-ty-nang-luong-viet-dang-dien-bien-xau-dan-di-1668651786.jpg
Nợ phải trả tăng lên trong khi vốn chủ sở hữu biến động không đáng kể, cơ cấu tài chính của công ty Năng Lượng Việt đang diễn biến xấu dần đi. (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, năm 2020 nợ phải trả tăng chủ yếu do tăng nợ dài hạn, trong đó, quy mô vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 0 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 6,595 tỷ đồng vào cuối năm

Bảng lưu chuyển tiền tệ cho thấy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp. Dòng tiền hoạt động kinh doanh năm 2020 của công ty Năng Lượng Việt âm gần 20,358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 không phát sinh biến động nào. Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại 2020 lại dương 12,270 tỷ đồng, trong cùng kỳ năm 2019 cũng không phát sinh biến động nào. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư vẫn âm 8,088 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền - một tiêu chí ít được doanh nghiệp đề cập ngay cả khi lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Bạn đang đọc bài viết "Công ty Năng Lượng Việt: Bất thường về năng lực trong đấu thầu đến nợ tăng dần?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).