Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, Cty Việt Anh đang sử dụng 65.000m2 đất có nguồn gốc là đất công, nằm ở bãi sông Đuống, cách chân đê phía sông 700m, do UBND xã Dương Hà quản lý.
Trước đó, ngày 4/4/2014, UBND xã Dương Hà cho Cty Việt Anh thuê 65.000m2 đất để sản xuất nông nghiệp. Trên khu đất này, Cty Việt Anh đã xây dựng 1 nhà tạm, diện tích khoảng 172m2, mái lợp tôn; 1 nhà tạm, khung cột thép, quây tôn, diện tích khoảng 148m2, mái lợp tôn; 1 trạm trộn bê tông, 4 silo trộn bê tông; 1 bãi đá dăm khoảng 200m3, 1 bãi cát đen khoảng 16.000m3.
Việc UBND xã Dương Hà cho thuê đất là trái thẩm quyền, vi phạm Khoản 3, Điều 37 Luật Đất đai năm 2003, nhưng UBND huyện Gia Lâm không phát hiện, ngăn chặn, xử lý, là vi phạm Khoản 1, Điều 143 Luật Đất đai năm 2003.
Ngoài ra, từ năm 2015 đến năm 2018, Cty Việt Anh có các hành vi đổ đất trạt, phế thải xây dựng với khối lượng lớn, đổ sân bê tông, xây dựng trạm trộn bê tông… tại bãi sông khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, là vi phạm Điều 7, Điều 26 Luật Đê điều năm 2006; Điều 15 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 10 Luật Xây dựng năm 2003.
Từ năm 2014 đến năm 2019, UBND xã Dương Hà đã thu 570 triệu đồng tiền thuê đất của Cty Việt Anh.
Trong quá trình hoạt động của Cty Việt Anh, Hạt Quản lý đê số 6 đã lập 12 biên bản (ngày 26/11/2015, 5/1/2016, 12/1/2016, 23/2/2016, 13/4/2016, 20/4/2016, 28/12/2016, 6/3/2017, 31/5/2017, 22/8/2017, 25/9/2017, 10/4/2018); ban hành quyết định tạm đình chỉ và đề nghị UBND xã Dương Hà, UBND huyện Gia Lâm xử lý vi phạm của Cty Việt Anh; đồng thời, báo cáo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão.
Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão có các văn bản: Số 1111/CCĐĐ-QL ngày 1/12/2015, số 260/CCĐĐ-QL ngày 18/3/2016, số 53/CCĐĐ-QL ngày 16/1/2017, đề nghị UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo xử lý vi phạm.
Trước sự bất bình của dư luận, ngày 30/6/2016, UBND xã Dương Hà đã thanh lý hợp đồng về việc thuê đất đối với Cty Việt Anh, đồng thời yêu cầu ngừng hoạt động và tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng như lúc ban đầu. Tuy nhiên, công ty này vẫn bỏ “ngoài tai” không thực hiện.
Nhằm xử lý dứt điểm các vi phạm này, ngày 11/9/2017, UBND huyện Gia Lâm ban hành Văn bản số 2249/UBND-TTrXD gửi các phòng, lực lượng chức năng và Chủ tịch UBND xã Dương Hà về việc đôn đốc xử lý công trình vi phạm pháp luật về đê điều, trật tự xây dựng đối với Cty Việt Anh xong trước ngày 20/9/2017.
Tuy nhiên, đến ngày 17/11/2017, UBND huyện Gia Lâm lại ban hành Văn bản số 2918/UBND-TN&MT về việc chấp thuận giao UBND xã Dương Hà ký hợp đồng tạm giao cho Cty Việt Anh sử dụng đất tại khu đất ngoài bãi sông Đuống với thời hạn 1 năm và công ty phải đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường, hoàn tất các thủ tục xin thỏa thuận đê điều và chỉ được phép hoạt động sau khi hoàn tất các thủ tục xin cấp phép theo quy định.
Ngày 10/5/2018, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố xem xét cho Cty Việt Anh được lắp đặt tạm thời trạm trộn bê tông tại bãi sông Đuống, nhưng không được phê duyệt.
Lý giải về việc chậm xử lý dứt điểm vi phạm của Cty Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hà Lê Việt Hùng trước đó cho biết: “Tháng 6/2016, UBND xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng không phép, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều đối với Cty Việt Anh, đồng thời thanh lý hợp đồng thuê đất, yêu cầu công ty bàn giao lại khu bãi xen canh bờ sông Đuống để UBND xã quản lý theo quy định. Ngày 5/7/2016, UBND huyện Gia Lâm cũng đã ký Văn bản số 1086/UBND-VP, đồng ý nội dung kế hoạch cưỡng chế của UBND xã, yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5/8/2016. Thế nhưng, xã gặp khó khăn do dự toán kinh phí tổ chức cưỡng chế quá lớn, tới 192,5 triệu đồng, nên UBND xã có Công văn số 79/UBND ngày 2/8/2016 đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, UBND huyện Gia Lâm chưa hồi âm, nên xã chưa thực hiện cưỡng chế giải tỏa vi phạm”.
Từ cuối năm 2015 đến tháng 4/2018, Hạt Quản lý đê số 6 đã gửi nhiều văn bản đề xuất xử lý vi phạm tới UBND xã Dương Hà, UBND huyện Gia Lâm, nhưng không xác định cụ thể hành vi và mức độ vi phạm, thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều; không có văn bản đề nghị UBND xã Dương Hà tập hợp hồ sơ khi vượt quá thẩm quyền, là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm b, điểm c, Mục 1, phần IV Hướng dẫn số 48/HD-SNN ngày 16/9/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chậm chuyển hồ sơ vi phạm, không đôn đốc xử lý vi phạm, là chưa thực hiện quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 6 và điểm b, Khoản 3, Điều 7 Quy chế kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 14/3/2014 của UBND thành phố.
Có thể thấy, việc xử lý vi phạm có phần “hời hợt” của các cơ quan chức năng đã làm cho vi phạm của Cty Việt Anh tại xã Dương Hà diễn ra trong nhiều năm.