Thực tế hàng hết hạn sử dụng, không có hạn sử dụng…ở Co.op Food tại Hà Nội
Mua sắm hàng ở siêu thị đang dần trở thành thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng (NTD) Việt Nam. Thế nhưng, một thói quen thuộc loại "văn minh" khác mà các khách hàng của siêu thị cần phải có lại hay bị… quên xem hạn sử dụng - HSD. Chính vì thế, có khi niềm vui mua sắm lại hóa thành nỗi bực bội.
Người tiêu dùng bức xúc phản ánh đến Thương hiệu & Công luận về việc Chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food trên địa bàn TP. Hà Nội đang bày bán nhiều sản phẩm, thực phẩm hết hạn sử dụng. Theo phản ánh thì có nhiều loại hàng hoá đã hết hạn sử dụng hơn tuần những vẫn được siêu thị bày bán.
Nhận được phản ánh, PV Thương hiệu & Công luận đã “mục sở thị” tại một số cơ sở của cửa hàng thực phẩm Co.op Food trên địa bàn TP. Hà Nội và đúng như những gì người tiêu dùng/khách hàng phản ánh.
Ngày 06/05, PV đã “mục sở thị” tại cửa hàng thực phẩm Co.op Food có địa chỉ tại Toà 17T4 Hapulico Complex, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Theo quan sát của PV, cửa hàng thực phẩm Co.op Food chia ra nhiều gian hàng với nhiều mặt hàng khác nhau như: Hoa quả, rau củ quả, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống, đồ ăn,… cùng với cam kết “cung cấp cho khách hàng đủ thực phẩm thiết yếu và tươi ngon mỗi ngày; cung cấp giải pháp cho bữa ăn hàng ngày với thực phẩm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe với chi phí hợp lý nhất, giúp phụ nữ tiết kiệm thời gian và tận hưởng giá trị cuộc sống”.
Với cam kết này cùng việc các sản phẩm do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) cung cấp sẽ dẫn đến tâm lý “chắc ăn” của người tiêu dùng khi đến đây mua hàng. Tại khu vực đồ ăn, thực phẩm đông lạnh,… đập vào mắt PV là sản phẩm “Đậu non” được sản xuất và đóng gói tại Công ty TNHH Thực phẩm sạch ABC, có địa chỉ tại đường Phúc Minh, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Sản phẩm có ngày sản xuất là 24/04/2022 và có hạn sử dụng 10 ngày kể từ ngày sản xuất. Như vậy, tính đến thời điểm PV có mặt, sản phẩm này đã quá hạn 03 ngày nhưng không hiểu vì sao, sản phẩm này vẫn nằm trên kệ hàng của Co.op Food. Khi những miếng đậu hết hạn sử dụng đến tay người tiêu dùng thì không biết hậu quả sức khoẻ sẽ như thế nào?
Hay như sản phẩm bánh Giò Nhân Gà được sản xuất và đóng gói tại Công ty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm Thọ Phát có địa chỉ tại Lô HT-F2-485 đường số 1 – Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Sản phẩm ghi ngày sản xuất là 14/04/2022 và có hạn sử dụng đến ngày 28/04/2022. Như vậy, tính đến thời điểm PV có mặt, sản phẩm này đã quá hạn 08 ngày nhưng không hiểu vì sao, sản phẩm này vẫn nằm trên kệ hàng của Co.op Food.
Tương tự, tại quầy đông lạnh, trên sản phẩm “ốc bươu thịt đông lạnh” có thông tin về tên sản phẩm, trọng lượng, đơn giá nhưng lại không có đơn vị cung cấp/phân phối sản phẩm, ngày đóng gói và hạn sử dụng… Hay sản phẩm này không bao giờ bị hỏng?
Hay như sản phẩm “Rau Củ An Việt” được sản xuất và phân phối bởi Công ty cổ phần Nông Phẩm công nghệ cao An Việt. Trên bao bì của sản phẩm không có thông tin ngày đóng gói và hạn sử dụng… Hay sản phẩm này không bao giờ hết hạn sử dụng?
Hàng trắng thông tin, mập mờ nguồn gốc xuất xứ?
Tiếp tục, tại quầy thực phẩm đông lạnh, có một số sản phẩm mang tên “Họ cá” nhưng người tiêu dùng không thể xác định được đó là cá gì… Quan sát bằng mắt thường, các sản phẩm được bọc sơ sài từ màng bọc thực phẩm không có bất cứ thông tin gì về kiểm định chất lượng cũng như nơi cung cấp nguồn hàng hoá, cách bảo quản, ngày đóng gói và có hạn sử dụng trong bao nhiêu lâu…
Hay như sản phẩm đậu phụ cũng vậy, được Co.op Foof bọc sơ sài từ màng bọc, thực phẩm không có bất cứ thông tin trên bao bì của sản phẩm…
Một sản phẩm khác đựng trong túi nilon đã hút chân không ngày sản xuất, không thông tin về hạn sử dụng, cũng như đơn vị phân phối. Đằng sau của sản phẩm chỉ có thông tin về Hướng dẫn rã đông sản phẩm. Từ đó, người tiêu dùng cũng không biết các sản phẩm này có thực sự còn hạn sử dụng nữa hay không và có còn dùng được nữa hay không?
Tại khu vực bày bán rau, của quả, PV ghi nhận một số sản phẩm đã bị dập, nát, thối vẫn được Co.op Food bày lên kệ.
Nhân viên Co.op Food: “Bạn cứ chụp thoả mái, không làm gì được bọn tớ đâu?”
Khi người tiêu dùng cầm điện thoại lên để quét mã QR của sản phẩm thì nhân viên cửa hàng nói: “Bạn cứ chụp thoả mái, không làm gì được bọn tớ đâu?”. Có quy định nào cấm người tiêu dùng/khách hàng không được quét mã QR…? Như vậy, câu hỏi đặt ra cho người tiêu dùng về vấn đề chất lượng, nguồn gốc hàng hoá của Co.op Food liệu có đảm bảo an toàn?
Và, việc người tiêu dùng sử dụng quyền để truy xuất sản phẩm, mà nhân viên "dọa" "không làm gì được bọn tớ đâu" là ngụ ý gì? Người tiêu dùng sử dụng quyền của người tiêu dùng khi mua sản phẩm lại bị "dọa" thế, cơ quan chủ quản của Co.op Food là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op có training cho nhân viên bán hàng của mình thách thức "thượng đế" như vậy không?
Khi ra quầy thanh toán, nhân viên quầy thanh toán cầm sản phẩm “Đậu non” lên thấy hết hạn sử dụng liền nói “mất phí rồi” và yêu cầu người tiêu dùng ra lấy sản phẩm khác. Tuy nhiên, có một điều PV thắc mắc, tại sao sản phẩm “Đậu non” thì nhân viên thanh toán nói “mất phí rồi”, còn sản phẩm bánh Giò Nhân Gà cũng hết hạn sử dụng thì nhân viên đó lại không nói gì? Phải chăng, nhân viên đó chỉ nhìn thấy mỗi sản phẩm ‘Đậu Non” hết hạn sử dụng nên mới bảo đổi sang sản phẩm khác?
Saigon Co.op liên tục bán sản phẩm hết hạn sử dụng?
Theo tìm hiểu của PV, cửa hàng thực phẩm Co.op Food trực thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op; Chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food được ra mắt vào năm 2008 với phương châm “An toàn - Tiện lợi - Tươi ngon” góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu hằng ngày cho những người nội trợ bận rộn theo phong cách hiện đại và thoải mái.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op ra đời từ năm 1989, được xem là cái nôi của bán lẻ hiện đại Việt Nam. Saigon Co.op đã từng bước khẳng định và phát triển với các siêu thị Co.op Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.opFood, cửa hàng tiện lợi 24h – Cheers… lần lượt ra đời.
Trước đó, trên các phương tiện thông tin truyền thông, Co.op Mart có cam kết là bán hàng hóa, sản phẩm chuẩn...để lấy niềm tin của người tiêu dùng khi mà bị khui ra hàng loạt bê bối bán hàng hết hạn, không hạn sử dụng; người tiêu dùng đến đổi sản phẩm thì bị gây khó dễ; không đổi, thách thức người tiêu dùng...
Trước đó, Thương hiệu & Công luận có bài phản ánh của người tiêu dùng về việc, Siêu thị Co.op mart Long Biên bày bán nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng, có coi thường sức khỏe người tiêu dùng? và Co.opmart Long Biên làm gì "thượng đế" khi bị khiếu nại về thực phẩm hết hạn sử dụng?. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng cũng như hướng giải quyết sự việc nói trên của lãnh đạo Co.op Mart Long Biên cũng như lãnh đạo đứng đầu là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op.
Với một hệ thống được coi là cái nôi của ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh liệu có đứng vững trên thị trường trong thời gian sắp tới hay không khi người tiêu dùng phản ánh về tình trạng nói trên vẫn không có động thái, hướng xử lý, mà tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn… Bởi người tiêu dùng đã dần mất niềm tin vào nguồn gốc cũng như chất lượng chất lượng của sản phẩm mang tên Co.op Mart và Co.op Food.
Các quy định của pháp luật điều chỉnh
Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn luậ, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau: Đối với nhóm hàng hóa là “Thực phẩm”, nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng (nếu có); Nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác được quy định như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng….
Người tiêu dùng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc
Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra trong toàn chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food, hiện có bao nhiêu sản phẩm hết hạn sử dụng vẫn đang được bày bán, đang ngày đêm rình rập, đem nguy cơ hại người tiêu dùng. Có bao nhiêu khách hàng đã sử dụng phải các sản phẩm hết hạn sử dụng của chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food này?
Người tiêu dùng TP. Hà Nội cứ ngỡ đến Co.op Mart và Co.op Food sẽ mua được hàng có nguồn gốc rõ ràng, hàng chất lượng nhưng thực tế mà PV Thương hiệu & Công luận ghi nhận được khiến không ít người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Theo thông tin trên chính web của Saigon Co.op thì, trên thị trường bán lẻ, Saigon Co.op có thâm niên hơn 15 năm hình thành và phát triển, tính đến 2018, đạt 100 siêu thị trên cả nước, hơn 600 điểm bán hàng cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm ra thị trường. Phương châm thì “An toàn - Tiện lợi - Tươi ngon” góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu hằng ngày cho những người nội trợ bận rộn theo phong cách hiện đại và thoải mái nhưng thực tế lại bày bán những sản phẩm hết hạn sử dụng, không hạn sử dụng, lại "thách thức" người tiêu dùng khi thực hiện quyền của mình?
Và, vì sao, nhân viên Co.op Food của Saigon Co.op lại "thách thức thượng đế" khi họ thực hiện quyền của mình đối với sản phẩm mà họ chi tiền ra mua? Thái độ của nhân viên này có đại diện cho Co.op Food và Saigon Co.op không?
Người tiêu dùng "không làm gì" nhân viên Co.op Food của Saigon Co.op cả, chỉ phản ánh để nhiều người tiêu dùng biết, sản phẩm bày bán của Co.op Food Saigon Co.op tại nhiều siêu thị ở Hà Nội là hết hạn sử dụng, không hạn sử dụng để biết, đừng đến mua, đừng tin tưởng vào cái slogan rằng: “An toàn - Tiện lợi - Tươi ngon” góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu hằng ngày cho những người nội trợ bận rộn theo phong cách hiện đại và thoải mái".
Thương hiệu & Công luận đề nghị Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra và có hình thức xử lý đối với hành vi kinh doanh các mặt hàng hết hạn, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ này.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cán bộ của Saigon Co.op
Trong hai ngày 19 và 20/04, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 14. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra - UBKT Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:
Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op và ông Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, UBKT Trung ương nhận thấy:
Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, huy động vốn, tăng vốn điều lệ, tổ chức Đại hội thường niên.
Ông Diệp Dũng đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của tập thể, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Saigon Co.op.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 và ông Nguyễn Thành Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op.
UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op.
Theo cổng thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung ương