Theo giải trình từ CTD, lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh tới hơn 85%, lên gần 449 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là vì CTD phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 242 tỷ đồng cho dự án D’Capitale trong 6 tháng đầu năm 2022 (lũy kế trích lập đã đủ dư nợ 484 tỷ đồng).
Do phải tăng mạnh chi phí dự phòng đã khiến CTD ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình gần 20 tỷ đồng nên công ty chỉ còn lỗ ròng gần 24 tỷ đồng trong quý II.
Tại ngày 30/6/2022, quy mô tài sản của CTD là 16.457 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp ngành xây dựng với 9.140 tỷ đồng, chủ yếu là nợ của khách hàng.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CTD âm gần 1.300 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ dương 220 tỷ đồng). Nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của CTD thâm hụt lớn là do sự gia tăng của các khoản chiếm dụng vốn.
Theo đó, giá trị phải thu của khách hàng và trả trước cho nhà cung cấp tăng thêm 884 tỷ đồng trong nửa đầu năm, trong đó, khoản chiếm dụng vốn của Bất động sản Ngôi sao Việt (dự án D’Capitale) lên tới 484 tỷ đồng (công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Ngoài ra một đối tác khác là Đầu tư Minh Việt cũng đang khiến CTD “đọng vốn” và suy giảm lợi nhuận vì trích dự phòng tới 122 tỷ đồng.
Trích lập cho các khoản phải thu khó đòi cũng là nguyên nhân chính khiến doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của CTD dù tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 5.193 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 94,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nợ vay tài chính của CTD đạt trên 1.316 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm hơn 786 tỷ đồng vay nợ tài chính ngắn hạn và hơn 530 tỷ đồng vay nợ tài chính dài hạn. Việc tăng vay nợ cũng khiến chi phí lãi vay trong kỳ của CTD phát sinh khoảng 30 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, ngày 22/8 vừa qua, CTD công bố chính thức ký kết hợp tác về việc triển khai xây dựng nhà máy Lego tại Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP III, Bình Dương, cùng Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (LMV)
Với vai trò Tổng thầu, CTD sẽ đảm nhiệm toàn bộ các hạng mục xây dựng, kết cấu, cơ điện và hoàn thiện cho phân khu 1-5 với diện tích sàn xây dựng lên đến 163,000 m2 (GFA). Dự án nhà máy Lego dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.
Theo Chứng khoán SSI, việc ký mới hợp đồng với Lego được cho là hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận của dự án này có thể cao hơn một chút so với các dự án khu dân cư.
Cũng theo SSI, giá trị hợp đồng ký mới trong 6 tháng đầu năm của CTD đã đáp ứng được kỳ vọng khi đạt 16 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang bị thắt chặt, số lượng hợp đồng ký mới của công ty trong 6 tháng đầu năm là con số khá bất ngờ đối với SSI.
Cùng với yếu tố giá vật liệu xây dựng giảm đặc biệt là giá thép, SSI cho rằng, tỷ suất lợi nhuận có thể được cải thiện. Giá thép có thể giảm 7% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 8% trong năm 2023.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, mặc dù việc ghi nhận chi phí dự phòng lớn trong quý II/2022 khiến kết quả kinh doanh của CTD kém khả quan; Tuy nhiên, TPS kì vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện tích cực hơn trong các quý tới cũng như năm 2023 nhờ:
Thứ nhất, giá trị backlog lớn (một phần đến từ các dự án tồn đọng) và việc giá một số nguyên vật liệu xây dựng chính có xu hướng giảm gần đây sẽ giúp các dự án bị trì hoãn thời gian qua được khởi công trở lại. Thứ hai, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang cho thấy những dấu hiệu tích cực. Thứ ba, chi phí dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi gần như đã được trích lập toàn bộ.