Cú sốc lãi suất sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới các thị trường tài chính trong năm 2023 (Ảnh: Getty)
Sau một đợt tăng giá mạnh vào trung tuần tháng 10/2022, các thị trường chứng khoán Mỹ lại một lần nữa tụt dốc.
Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm 5% kể từ ngày 14/12, khi Fed nâng lãi suất thêm 0,5% và Chủ tịch Jerome Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách không có kế hoạch hạ lãi suất cho đến khi họ tự tin rằng lạm phát đang trên đường giảm xuống 2%.
“Bài học được lịch sử ghi nhận cho thấy không nên nới lỏng chính sách quá sớm", ông Powell tuyên bố khi ấy.
Giai đoạn 'tiền rẻ' chấm dứt đã gây ra biến động lớn trên các thị trường tài chính trong năm 2022. Các nhà đầu tư hy vọng rằng sự hỗn loạn này sẽ sớm kết thúc và động thái giảm lãi suất sẽ xuất hiện sớm vào khoảng giữa năm 2023.
Tuy nhiên, lời cảnh báo của ông Powell đã chỉ ra rằng thị trường đang quá lạc quan.
Đây không phải lần đầu tiên. Các thị trường thường suy sụp sau hầu hết các cuộc họp của Fed trong năm nay, khi các nhà đầu tư bị choáng váng bởi giọng điệu cứng rắn của ông Powell.
Mỗi đợt trong số 5 tuần tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ năm 2022, giá cổ phiếu đều giảm khoảng 5%. Tất cả đều xảy ra ngay trước hoặc sau cuộc họp của Fed.
Do lạm phát – được gây ra bởi một gói kích thích tài chính – dai dẳng hơn so với kỳ vọng, Fed đã đưa ra những đợt nâng lãi suất với nhịp độ chưa từng thấy. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn giữ hy vọng rằng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách.
Khi thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh vào ngày 3/1, các thị trường trái phiếu tin rằng mức lãi suất 0,25% sẽ tăng thêm chỉ 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm. Nhưng hiện tại lãi suất đã ở mức 4,5%.
Thắt chặt tiền tệ với nhịp độ nhanh chính là nguyên nhân gây ra phần lớn sự bất ổn trên thị trường tài chính trong năm 2022. Cổ phiếu công nghệ lao dốc. Các thị trường trái phiếu cũng bị chìm trong thị trường khắc nghiệt.
Các quỹ lương hưu của Anh bị đẩy vào chỗ bất ổn trong mùa Thu năm nay, bởi những diễn biến về giá chứng khoán viền vàng (gilt) và sự sụp đổ của tiền mã hóa sau vụ phá sản của sàn giao dịch FTX.
Ngày 20/12, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) tiếp tục làm rúng động các thị trường tài chính khi điều chỉnh chính sách lãi suất dài hạn.
Theo đó, BOJ quyết định mở rộng biên độ lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm với nhận định biên độ trước đó có thể ảnh hưởng đến các chức năng của thị trường. Biên độ lãi suất hiện sẽ ở mức +/- 0,5%. Trước đó, biên độ này được giữ ở mức +/- 0,25%.
Fed nâng lãi suất với nhịp độ nhanh nhất trong suốt nhiều thập kỷ (Ảnh: CNBC) |
Viễn cảnh ảm đạm của thị trường tài chính năm 2023
Các động thái trên cho thấy kỷ nguyên 'tiền rẻ' đã qua. Liệu tình hình có thay đổi vào năm 2023(?).
Lãi suất ở phần lớn các nước giàu trên thế giới đang ở mức cao hơn so với suốt 15 năm qua, trong khi những cú sốc lãi suất từng xảy ra trong quá khứ dường như đều an toàn hơn so với hiện tại.
Lạm phát dường như sẽ còn dai dẳng, ít nhất là ở Mỹ. Mặc dù nhiều quốc gia ở châu Âu vẫn đang chật vật đối phó với giá năng lượng cao, sự tăng giá cả hàng hóa có thể sẽ chậm lại trong năm tới.
Tuy nhiên, những suy nghĩ lạc quan có thể là sai lầm. Trước hết, vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa điều mà Fed nói sẽ thực hiện và kỳ vọng của thị trường. Fed cảnh báo rằng họ có thể phải nâng lãi suất lên trên 5% trong năm 2023 và duy trì mức đó trong một khoảng thời gian.
Điều này đi ngược với kỳ vọng của các nhà đầu tư. Bất chấp cảnh báo của ông Powell, các nhà đầu tư đặt cược vào một mức lãi suất đỉnh và vẫn tin rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ xuất hiện vào mùa Hè năm 2023.
Nói ngắn gọn, các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư vẫn trái quan điểm trong hầu hết những câu hỏi quan trọng nhất.
Lạm phát sẽ dai dẳng đến đâu (?). Mức lãi suất đỉnh sẽ là bao nhiêu (?). Và khi nào thì Fed mới nới lỏng chính sách (?).
Một nguồn cơn khác gây ra tình trạng bất trắc là, liệu Mỹ có trượt vào suy thoái hay không, và nếu có thì là bao giờ? Fed cho rằng sẽ không xảy ra suy thoái, đưa ra mức dự báo tăng trưởng 0,4-1% trong năm 2023, và lạm phát trong khoảng 2,9-3,5%.
Nếu suy thoái thực sự xảy ra, các nhà đầu tư sẽ không được chuẩn bị sẵn sàng. Giới phân tích cho rằng lợi nhuận có thể tăng trưởng 7,6% trong năm 2023, cao hơn GDP danh nghĩa.
Cuối cùng, tầm ảnh hưởng của cú sốc lãi suất vẫn sẽ ảnh hưởng tới giá tài sản. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có những thị trường tài sản thanh khoản nhanh nhất, như chứng khoán, trái phiếu và tiền mã hóa, đã có sự điều chỉnh.
Những diễn biến này vẫn đang được các tổ chức tài chính tiếp nhận. Chỉ có các công ty lớn tham gia vào lĩnh vực tiền mã hóa mới thực sự lâm nguy, khi một số nền tảng cho vay, sàn giao dịch và quỹ bảo hộ tiền mã hóa hàng đầu bị phá sản.
Tuy nhiên, cú sốc lãi suất chưa thể gây ra những rạn nứt khác trong hệ thống tài chính, bởi vậy có thể sẽ có thêm vấn đề trong năm 2023. Giá cả vẫn chưa điều chỉnh đối với các thị trường như vốn chủ sở hữu và bất động sản.
Cú sốc lãi suất được xem là diễn biến lớn nhất gây tác động tới các thị trường tài chính trong năm 2022. Không có gì lạ khi các nhà đầu tư muốn chấm dứt sớm giai đoạn này. Thế nhưng cuộc tranh luận lớn về lạm phát và lãi suất vẫn chưa được giải quyết.
Việc các nhà đầu tư hy vọng vào đà tăng trưởng và lợi nhuận dường như là ảo tưởng, và tác động của những đợt nâng lãi suất vẫn chưa thấm hết vào mọi ngóc ngách của hệ thống tài chính.
Dù cho giới đầu tư có tin vào điều gì đi chăng nữa, sự hỗn loạn của năm 2022 có thể tiếp diễn trong năm 2023./.