Thanh Hóa: Vì sao dự án thủy điện Hồi Xuân sau 12 năm vẫn còn ngổn ngang?

23/12/2022 13:44

Dự án Thuỷ điện Hồi Xuân được khởi công từ tháng 3/2010 nhưng đã phải dừng thi công lần thứ 2 do không đủ năng lực tài chính.

Thanh Hóa kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư

Dự án Thủy điện Hồi Xuân được xây dựng trên sông Mã tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư khoảng 3.320 tỷ đồng, công suất lắp máy 102MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hằng năm đạt 432 triệu KWh. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam làm chủ đầu tư và được khởi công vào tháng 3/2010.

Dự án nhằm sản xuất điện hòa vào lưới điện Quốc gia; tạo nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất công, nông nghiệp; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương. Khi Dự án đi vào vận hành phát điện là nguồn năng lượng sạch và tái tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu điện năng trong khu vực, giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng của hệ thống, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia…

Thanh Hóa: Vì sao dự án thủy điện Hồi Xuân sau 12 năm vẫn còn ngổn ngang? - Ảnh 1
Dự án Thủy điện Hồi Xuân bao giờ mới hồi sinh đang là câu hỏi được các chức năng của Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa tìm câu trả lời.

Có điều khi đang triển khai dự án, do không đủ năng lực tài chính, VNECO đã phải dừng thi công. Đến tháng 6/2014, Công ty TNHH dịch vụ - thương mại-sản xuất - xây dựng Đông Mê Kông mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 91% cổ phần của VNECO. Năm 2015, dự án Thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao cho Công ty TNHH Đông Mê Kông. Nhờ đó, dự án được thi công trở lại vào năm 2017, nhưng cũng chỉ được một thời gian lại phải dừng lần thứ hai vì thiếu vốn.

Ngày 12/12/2022, tại tỉnh Thanh Hóa, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các dự án có sử dụng đất và dự án FLC Sầm Sơn Golf Links, dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC, dự án Thủy điện Hồi Xuân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong thời gian 60 ngày (không kể ngày lễ, ngày nghỉ), Đoàn thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành làm việc trọng tâm, trọng điểm các dự án liên quan đến lĩnh vực đất đai, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sắp xếp các loại đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và dự án FLC Sầm Sơn Golf Links, dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC, dự án thủy điện Hồi Xuân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn thanh tra thực hiện theo Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật. Qua thanh tra sẽ chỉ ra những bất cập, sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục nhằm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Ngày 16/12/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 246/BC-UBND báo cáo với Đoàn thanh tra Chính phủ việc chấp hành pháp luật trong việc lập, triển khai thực hiện và sử dụng vốn vay đối với dự án Thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa; những khó khăn, vướng mắc của dự án này.

Tại Văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hóa nêu: “Hiện nay, nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của dự án và khu vực phải giải phóng mặt bằng tái định cư rất bức xúc do chờ đợi quá lâu, các công trình dân sinh hoàn trả chưa được thi công, các hạng mục công trình đã đầu tư của dự án đã từ lâu, nếu không kịp thời khai thác sẽ xuống cấp, lãng phí rất lớn. Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục giải ngân khoản vay bổ sung trị giá 758 tỷ đồng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) để dự án sớm triển khai thi công trở lại, hoàn thành đi vào vận hành thương mại, có nguồn thu để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đúng thời hạn quy định, không để ảnh hưởng uy tín của Chính phủ; đồng thời ổn định đời sống, dân sinh vùng dự án, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, dự án đang thực hiện dở dang thì từ cuối năm 2017 đến nay phải tạm dừng các hoạt động thi công trên công trường do chủ đầu tư không bố trí được nguồn vốn để thực hiện dự án. Nguyên nhân chính của việc chủ đầu tư chậm thu xếp được nguồn vốn bổ sung để thực hiện phần khối lượng còn lại của dự án là do việc đàm phán ký lại Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo dài.

Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, ngày 25/6/2021, Chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc ký lại Hợp đồng mua bán điện số 06/2021/HĐ-NMĐ-HồiXuân 11 với giá bán điện đảm bảo để đưa nhà máy vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân tại Văn bản số 222/VHX-KHVT ngày 30/7/2022, sau khi ký lại Hợp đồng mua bán điện với EVN, chủ đầu tư vẫn chưa bố trí được vốn, chưa hoàn thành đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để vay thêm phần vốn còn thiếu, dẫn đến dự án vẫn chưa thể thi công trở lại.

Trong đó, vướng mắc chính là việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) yêu cầu một số điều kiện bổ sung chủ đầu tư phải thực hiện để giải ngân khoản vay 758 tỷ đồng, cụ thể: có văn bản xác nhận của EVN về giá bán điện theo Hợp đồng mua bán điện đã ký đảm bảo đủ khả năng trả nợ dự án, có văn bản của Bộ Tài chính chấp thuận việc cho thế chấp một phần Nhà máy đối với khoản vay 758 tỷ đồng, dùng doanh thu để trả nợ theo tỷ lệ vay vốn giữa khoản vay nước ngoài và khoản vay tại Agribank, tính toán chia sẻ nguồn thu trả nợ theo cơ cấu phù hợp với dòng tiền dự án,...

Theo báo cáo của chủ đầu tư, việc hoàn thành các điều kiện nêu trên là rất khó khăn, phụ thuộc vào quyết định của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và EVN, làm kéo dài thời gian giải ngân khoản vay dự án. Trong khi đó, hiện nay chi phí tài chính của dự án liên tục tăng hàng năm (đến nay dự án đã phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ quốc gia để trả khoản nợ vay thương mại nước ngoài khoảng trên 700 tỷ đồng và nợ phí bảo lãnh Chính phủ khoảng 35 tỷ đồng).

Như vậy, mặc dù Dự án thủy điện Hồi Xuân đã nhiều lần cam kết tiến độ hoàn thành dự án với UBND tỉnh Thanh Hóa tuy nhiên chủ đầu tư hiện vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí trả nợ nhà thầu, chi trả kinh phí bồi thường, GPMB cho người dân và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng: Trường học, trạm y tế, cầu treo dân sinh, đường giao thông, khu tái định cư... để hoàn trả cho địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân quanh vùng dự án cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ đầu tư phát hành trái phiếu liệu có kịp "cứu" dự án?

Theo văn bản của của Công ty Cổ phần Dầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ tài chính và UBND tỉnh Thanh Hóa về việc kiến nghị giãn thanh tra để doanh nghiệp tập trung hoàn thành nhà máy, trả xong phần vay từ quỹ tích lũy trả nợ, công ty VNECO và công ty Đông Mê Kông sẽ phát hành gói trái phiếu 400 triệu Đô la Mỹ để thanh toán dứt điểm công nợ. Theo đó, công ty TNHH MTV Regina là đối tác đang trong quá trình mua lại toàn bộ cổ phần công ty Đông Mê Kông tại công ty VNECO sẽ trực tiếp thu xếp gói trái phiếu 400 triệu Đô la Mỹ từ nước ngoài. Từ đó, Công ty VNECO sẽ thanh toán toàn bộ các khoản nợ Bộ Tài chính bao gồm: khoản vay từ QTLTN, phí bảo lãnh và các khoản phát sinh khác, tiến tới tất toán các khoản vay nước ngoài có bảo lãnh từ Chính phủ của dự án.

Hiện tại, đại diện công ty Regina đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty VNECO, đã và đang tích cực làm việc với ngân hàng nhà nước cho nội dung xác nhận hạn mức phát hành. Công ty Regina đã thanh toán chi phí và ứng vốn cho các nhà thầu để tập kết vật tư, nhân công, thiết bị tái khởi động thi công nhà máy với giá trị khoảng gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty Regina đã chuẩn bị sẵn nguồn tiền là 150 tỷ để phục vụ công tác thi công, giải phóng mặt bằng.

Trước đó, ngày 15/9/2022, Công ty VNECO đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế. Hiện nay theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, công ty VNECO cần bổ sung nội dung thẩm định giá trị tài sản đảm bảo liên quan đến gói trái phiếu trên bởi đơn vị thẩm định giá độc lập được Bộ Tài chính phê chuẩn. Dự kiến, công ty VNECO sẽ có phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước về việc xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu trong tháng 12 năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa: Vì sao dự án thủy điện Hồi Xuân sau 12 năm vẫn còn ngổn ngang?" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).