Cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong phạm vi dưới 500m: Bộ nói không cấm hay hạn chế

14/07/2022 09:12

Chiều 13/7, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết không cấm cửa hàng tiện lợi bán cho khách ngoài phạm vi 500m mà chỉ muốn "thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng".

Theo Vụ thị trường trong nước, Quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo Thông tư (Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia.

cua-hang-tien-loi-1657763450.png Cửa hàng tiện lợi không bị cấm bán cho khách ngoài phạm vi 500m, nhưng cách đặt vấn đề trong dự thảo rất dễ gây hiểu lầm. Ảnh: Nam Khánh

Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Ngoài ra, thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

"Đối với tiêu chí cửa hàng tiện lợi (Điều 5), tiêu chí trung tâm outlet (Điều 6) được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam", Vụ thị trường trong nước cho biết.

Đối với quy định về Biển hiệu của các loại hình hạ tầng thương mại (Khoản 3, Điều 7, Dự thảo Thông tư), Vụ thị trường trong nước cho rằng điều này được dự thảo trên cơ sở quy định của Điều 40, Luật Doanh nghiệp và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 về đăng ký doanh nghiệp).

Cụ thể: (1) Điều 40, Luật Doanh nghiệp quy định về “Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh”

“1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

3. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.”

(2) Điều 20, Nghị định 01/2021 về đăng ký doanh nghiệp quy định về “Đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh”

“1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp.

2. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

3. Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

4. Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.”

Vụ thị trường trong nước cho biết: Sau một thời gian lấy ý kiến, tới nay, Bộ Công Thương cũng đã nhận được 69 ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư, trong đó có 5 bộ/ngành, 5 UBND cấp tỉnh, 11 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 48 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố. Bộ Công Thương đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo. Sau khi hoàn thiện Dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công Thương vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư. Các tổ chức/cá nhân có thể trực tiếp góp ý kiến trên Cổng thông tư điện tử của Chính phủ và của Bộ Công Thương, hoặc gửi ý kiến thông qua các hiệp hội, tổ chức mà tổ chức/cá nhân là thành viên.

Bạn đang đọc bài viết "Cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong phạm vi dưới 500m: Bộ nói không cấm hay hạn chế" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).