Cuộc khủng hoảng LUNA và TerraUSD: Giả thuyết về một vụ tấn công bán khống điển hình

12/05/2022 15:51

Do Kwon, CEO Terraform Labs đã mất hàng tỷ USD khi mã thông báo LUNA giảm gần 97% giá trị, còn đồng ổn định TerraUSD (UST) cũng mất chốt với USD gần 75% trong ngày 11/5.

Giá Bitcoin tiếp tục rơi xuống mốc dưới 30.000USD lần 2 trong tuần qua, khiến cho thị trường tiền mã hóa tiếp tục đỏ lửa, nhà đầu tư trở nên hoang mang. Một trong những nguyên nhân chính của việc giảm giá này đến từ Terraform Labs, mà cụ thể là sự sụp đổ của đồng UST và LUNA trong những ngày qua. Vậy nguyên nhân nào đẫn đến tình trạng sụp đổ khiến Do Kwon mất hàng tỷ USD vừa qua.

Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là có người đứng đằng sau thực hiện một cuộc tấn công bán khống (bán thứ mà nhà đầu tư không hề có trong tay. Kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá có nghĩa là người bán khống sẽ “mượn tạm” tài sản và bán đi sau này, với hi vọng sẽ thu được lợi nhuận vì có thể mua lại ở mức giá thấp để trả nợ và hưởng chênh lệch giá) theo phong cách George Soros, nhắm vào hệ sinh thái Terra, kiếm hơn 800 triệu USD chỉ trong vài ngày.

Ảnh minh họa

Ransu Salovaara, CEO Likvidi giải thích “một số người đã chọn chốt thuật toán của UST để làm mục tiêu thao túng thị trường và vay rất nhiều Bitcoin để thực hiện điều này, theo phong cách Soros”.

“Cuộc tấn công” đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Ngày 10/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo nguy cơ các thuật toán đồng ổn định có thể tạo ra, trong cuộc họp với Ủy ban Ngân hàng tại Thượng viện.

Ai đứng sau cuộc tấn công nhằm vào UST?

Ran NeuNer, người dẫn chương trình Crypto Trader tại CNBC, đồng thời là bạn của Do Kwon cho rằng nhà tạo lập thị trường Citadel, có thể là tổ chức đứng sau chuỗi hành động này. Charles Hoskinson, CEO của IOHK cũng cho hay có những tin đồn Citadel là “thủ phạm”.

Ken Griffin, tỷ phú sáng lập Citadel Securities được biết đến với quan điểm trái chiều với nền công nghiệp tiền ảo, từng so sánh thị trường nghìn tỷ USD này như “một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng”. Dù vậy, thuyết âm mưu về việc tổ chức tài chính này đứng đằng sau cuộc tấn công vẫn chỉ là suy đoán.

Trong khi đó, Larry Cermack, nhà nghiên cứu tiền ảo, tin rằng hơn 1 tỷ USD đã được bơm vào để ngăn “đám cháy” của Luna Foundation Guard lan rộng. Theo chuyên gia này, lượng tiền trên được cung cấp bởi Celsius, Jump và Alameda cùng một số quỹ đầu tư mạo hiểm khác.

Cuộc tấn công diễn ra như thế nào?

Theo thuyết âm mưu của cộng đồng tiền ảo, Blackrock và Citadel vay 100.000 Bitcoin từ Gemini (đã thể hiện trong sổ vay) và lặng lẽ đổi số tiền này sang UST.

Khi thời điểm chín muồi (FED tăng lãi suất khiến dòng tiền đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro), các tổ chức trên đã liên hệ với Do Kwon, nhà sáng lập Terraform Labs để “chào bán” Bitcoin. Với lý do không muốn tác động tới thị trường do số lượng Bitcoin lớn, họ gợi ý Do Kwon mua lại cả block với giá ưu đãi và trả bằng UST.

Cái bẫy đã sập xuống ngay sau khi cha đẻ của token Luna chấp thuận thương vụ mua bán. Một số lượng khổng lồ UST bị chuyển đi làm thanh khoản đồng ổn định hụt xuống nghiêm trọng. Ngay tại thời điểm đó, Blackrock và Citadel nhồi lệnh bán tất cả Bitcoin và UST mà họ có, tạo ra một lực đẩy bán cưỡng bức (forced-selling) cực mạnh đối với cả 2 loại tài sản.

Vấn đề ở chỗ, tổ chức tấn công nắm được sàn Anchor (nắm giữ rất nhiều mã khóa LUNA) là một mô hình đa cấp (Ponzi) khi trả lợi tức lợi nhuận thực tế lên tới 20%. Cú trượt giá mạnh sẽ kích hoạt làn sóng rút tài khoản (bank-run) vượt quá mức chịu đựng của Anchor. Các đợt rút tiền và áp lực bán từ đó tạo ra con sóng bán tháo LUNA, đẩy thị trường xuống sâu hơn nữa.

Sau đó, Blackrock và Citadel có thể mua lại Bitcoin với giá rẻ hơn để hoàn trả khoản vay và đút túi số tiền chênh lệch.

“Cái chết” đã được dự báo trước

Giới chuyên gia và quan sát thị trường tiền mã hóa nhận định, vụ sụp đổ của UST đã được dự báo từ trước và là một trong những “cái chết” gây nhiều tác động nhất trong lịch sử thị trường tiền mã hóa.

Tree of Alpha, một tổ chức hacker mũ trắng, nhóm từng phát hiện ra lỗ hổng nghiêm trọng trong API Coinbase, cho rằng sự sụp đổ của LUNA “là một trong những sự sụp đổ trong vòng xoáy tử thần Ponzi lớn nhất cho tới nay tại thị trường tiền điện tử”. Nic Carter từ quỹ đầu tư Castle Ventures cũng đồng tình với nhận định trên.

Tổ chức hacker mũ trắng này so sánh LUNA với mô hình Ponzi của Bitconnect, vụ lừa đảo trị giá 2,4 tỷ USD gây ra nhiều tai tiếng cho cộng đồng tiền mã hóa.

Lyn Alden, top 100 của Cointelegraph đã từng cảnh báo các vấn đề tiềm ẩn của đồng UST. Trong lá thư gửi tới các nhà đầu tư, Alden bày tỏ nghi ngại về “áp lực xả Bitcoin” sẽ làm ngập thị trường trong trường hợp UST mất tỷ giá neo. Thực tế thị trường diễn ra trong 48 giờ qua cho thấy lo ngại này hoàn toàn chính xác.

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc khủng hoảng LUNA và TerraUSD: Giả thuyết về một vụ tấn công bán khống điển hình" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).