Cuộc sống đảo lộn của người Mỹ vì giá xăng cao kỷ lục

23/11/2021 13:41

Giá xăng dầu tăng cao khiến hàng triệu người Mỹ đối mặt áp lực tài chính lớn, trong bối cảnh lạm phát khiến giá nhiều loại mặt hàng, dịch vụ đồng loạt leo thang.

Những tuần qua, người Mỹ phải thay đổi cách sống nhằm thích nghi với thời kỳ giá nhiên liệu tăng cao. Không còn những chuyến lái xe đi câu cá, không còn thường xuyên đi nhà hàng, thậm chí những chuyến đi thăm người thân cũng phải hạn chế, theo New York Times.

Giá xăng dầu cao kỷ lục

Hàng triệu chủ sở hữu ôtô tại Mỹ đã ngay lập tức cảm thấy áp lực tài chính đè nặng khi giá nhiên liệu tăng cao. Tháng trước, giá xăng lập kỷ lục kể từ năm 2014, ở mức 3,41 USD/gallon trung bình trên cả nước (1 gallon = 3,78 lít).

Ngay cả khi giá dầu thô hạ nhiệt gần đây, mỗi gallon xăng tại Mỹ vẫn có giá cao hơn 0,07 USD so với một tháng trước.

Người tiêu dùng Mỹ đang chứng kiến giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng cao, mà xăng dầu là rõ rệt nhất. Dấu hiệu giá nhiên liệu đắt đỏ có thể nhìn thấy trên các tuyến cao tốc khắp cả nước. Một số nơi giá xăng lên tới 7,59 USD/gallon.

Nhiều người tìm cách tiết kiệm bằng cách ít di chuyển hơn. Nhưng đây là lựa chọn không hề dễ dàng khi mùa nghỉ lễ đang đến gần, và người Mỹ nhìn chung muốn ăn mừng bù đắp cho năm 2020 khi các dịp nghỉ lễ chìm trong dịch bệnh.

Khoảng 32% người Mỹ dự định lái xe về nhà dịp Lễ Tạ ơn, so với mức 65% của năm 2019.

Người tiêu dùng tưởng như có hy vọng mua được giá nhiên liệu giá rẻ hơn ngay trong tháng 11 khi giá trị đồng USD được nâng lên và giá dầu đi xuống. Tuy vậy, giá nhiên liệu tiếp tục ở mức cao tại các điểm bán lẻ.

Chủ sở hữu ôtô chịu tác động nặng nề vì giá xăng tăng cao. Ảnh: AFP.

Dù vẫn thường có thời gian chênh lệch giữa thay đổi giá dầu và giá nhiên liệu, Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra lý do giá nhiên liệu tại các điểm bán lẻ không giảm mạnh như kỳ vọng.

Chính quyền ông Biden cũng đang đứng trước đề nghị của Quốc hội sử dụng Quỹ Dự trữ Xăng dầu Chiến lược nhằm giảm giá nhiên liệu bán lẻ, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

Giá nhiên liệu tăng cao một phần bởi biến động thị trường cung cầu. Nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh trong những tháng đầu đại dịch, do đó Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các quốc gia sản xuất dầu lớn đã cắt giảm sản lượng.

Tại Mỹ, nhu cầu nhiên liệu suy giảm dẫn tới các công ty thu hẹp hoạt động khai thác. Trong mùa hè 2020, số lượng giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ giảm gần 70%.

Thế nhưng trong 12 tháng qua, nhu cầu dầu mỏ hồi phục nhanh hơn khả năng phục hồi sản lượng của OPEC. Giá dầu thô đã tăng gấp đôi lên mức 85 USD/thùng.

Việc Mỹ đóng cửa một số nhà máy lọc dầu lớn trong thời gian dịch bệnh cũng ảnh hưởng xấu tới nguồn cung. Từ đầu năm 2020, số cơ sở lọc dầu bị đóng cửa chiếm khoảng 5% công suất của cả nước.

"Khi nhu cầu phục hồi nhưng một số nguồn cung đã mất đi trong dài hạn, giá cả sẽ tăng lên, và người dân đang trực tiếp bị ảnh hưởng", Andy Lipow, chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow, nói.

Thay đổi để tồn tại

Với người sở hữu xe cá nhân, những chuyến đi vốn là sinh hoạt thường ngày giờ tạo ra thêm gánh nặng tài chính. Tương tự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, giá nhiên liệu lúc này tạo ra cảm giác nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi.

Aldo McCoy là chủ sở hữu một cửa hàng sửa chữa xe ôtô ở Toms River, New Jersey. Ông cho biết đổ đầy nhiên liệu cho chiếc 2003 Cadillac Escalade của mình hiện hết 100 USD, trong khi trước đây chỉ là 45 USD.

McCoy cho biết ông và các nhân viên phải làm thêm 15 giờ mỗi tuần để bù đắp cho chi phí nhiên liệu đã tăng lên. McCoy đồng thời phải cắt giảm các chi tiêu khác trong gia đình.

"Tôi không còn đi siêu thị hay ra ngoài ăn tối nhiều, cũng không thể du lịch để tận hưởng cuộc sống", McCoy cho hay.

Giá dầu thô không phải nguyên nhân duy nhất đẩy chi phí nhiên liệu lên cao. Những yếu tố khác gồm các quy định mới về năng lượng tái tạo, giá ethanol tăng, cũng như thiếu hụt lao động trong ngành vận tải khiến việc vận chuyển xăng dầu chở nên tốn kém hơn.

Giá nhiên liệu tại Mỹ đang ở mức cao kỷ lục kể từ 2014. Ảnh: AFP.

Các nhà phân tích cho biết giá nhiên liệu trong quá khứ đã có lúc cao hơn hiện nay. Năm 2008, giá nhiên liệu trung bình toàn quốc đã vượt 4,1 USD/gallon.

Giới chuyên gia lạc quan việc nhu cầu nhiên liệu gia tăng phản ánh nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Dù vậy, vẫn có lo ngại giá cả tăng cao sẽ khiến người dân cắt giảm chi tiêu.

"Giá nhiên liệu đắt đỏ sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, đây là tin xấu cho các nhà bán lẻ", Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường của ThinkMarkets, đánh giá.

California là tiểu bang giá xăng trung bình cao nhất cả nước, hiện ở mức 4,6 USD/gallon. Nhiều chủ xe đã phải thay đổi lối sống hàng ngày để thích ứng, hoặc tìm đến những điểm bán nhiên liệu rẻ hơn nhằm tiết kiệm vài USD mỗi lần đổ xăng.

Tại thành phố Vallejo, nơi giá xăng là 4,83 USD/gallon, nhiều người đổ lỗi tình trạng hiện nay cho chính quyền Tổng thống Joe Biden.

"Đây là lỗi của Biden và Gavin Newsom (thống đốc California). Chúng tôi phải trả quá nhiều tiền cho thuế xăng dầu", Kevin Altman, một người đã về hưu, nói.

Altman phải trả 50 USD để đổ đầy bình xăng chiếc Jeep của ông, số xăng này chỉ đủ cho 2 ngày. Altman nói ông đã phải tạm dừng đi câu cá ở thành phố Benicia gần đó để tiết kiệm tiền xăng. Chuẩn bị cho Giáng sinh năm nay, gia đình Altman cũng chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Chi phí nhiên liệu đặc biệt ảnh hưởng tới những người làm việc trong ngành vận tải hoặc các lĩnh vực liên quan.

Mahmut Sonmez, ông chủ dịch vụ thuê ôtô ở New Jersey, cho biết chi phí nhiên liệu tiêu tốn 800 USD mỗi tuần, trong khi tổng doanh thu trước thuế chỉ là 2.500 USD.

Để tiết kiệm, Sonmez đã phải chuyển đến sống ở căn hộ với giá thuê rẻ hơn 400 USD so với ngôi nhà trước đây. Người đàn ông cũng dừng dịch vụ truyền hình cáp, đổi mạng di động rẻ hơn.

Sonmez cho biết nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng, ông sẽ cân nhắc chuyển sang công việc khác để có thể trả các loại hóa đơn.

Tại New Jersey, khách hàng không được phép tự bơm xăng ở các trạm. Nhiều tài xế trút cơn giận lên những người phục vụ tại các trạm nhiên liệu.

Gaby Marmol, nhân viên một trạm nhiên liệu ở Newark, New Jersey, cho biết cô và các đồng nghiệp bị khách hàng "nguyền rủa" gần như mỗi ngày. Người phụ nữ nói cô thông cảm trước cơn giận của khác hàng khi giá nhiều hàng hóa đã tăng gấp đôi.

"Chúng tôi chỉ đang làm việc của mình, nhưng khách hàng lại nghĩ chúng tôi tự đặt ra giá cả", Marmol cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc sống đảo lộn của người Mỹ vì giá xăng cao kỷ lục" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).