Đã có phương án xử lý SCB và các tổ chức tín dụng yếu kém

04/01/2023 11:37

Thông tin này được Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết khi thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kinh tế xã hội 2022, kế hoạch 2023 tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/1...

ngan-hang-1672797123.jpeg Ảnh minh họa

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, cho biết năm 2022, Chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng. Chẳng hạn, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021 - 2025, trong đó hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó thủ tướng cho biết, đến cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,92%, nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu so với tổng dư nợ là 4,5%.

Cũng đó, Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Trong đó, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).

SCB được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB). Ngân hàng này có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm 5 tổ chức tín dụng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường.

Riênng Ngân hàng Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Sau chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ cho biết, năm nay sẽ tập trung triển khai, nhằm bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.

Cũng tại hội nghị trên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận năm 2022 là một năm vô cùng thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ khi cùng một lúc chịu áp lực bởi xu hướng tăng lạm phát, lãi suất, đồng USD trên phạm vi toàn cầu và những khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở trong nước.

Tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kết thúc năm 2023, chính sách tiền tệ đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô như góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%); tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực); thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo...

Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn.

(Thống đốc Nguyễn Thị Hồng)

Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Quỹ tiền tệ quốc tế cũng vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn. Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Chính sách tiền tệ ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống, bởi vậy xét từ góc độ tổng thể nền kinh tế, các chính sách kinh tế cần có sự cân đối và phối hợp đồng bộ hơn giữa.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản...để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các các chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...

Bạn đang đọc bài viết "Đã có phương án xử lý SCB và các tổ chức tín dụng yếu kém" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).