Đại án Gang thép Thái Nguyên: Vinaincon không đủ năng lực vẫn trúng thầu

15/03/2021 10:45

Theo cáo trạng, Vinaincon được chọn làm nhà thầu phụ trong dự án TISCO 2 dù không đủ năng lực; điều này làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (TISCO II), Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị có liên quan.

Không đủ năng lực vẫn trúng thầu

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS). Năm 2005, Chính phủ phê duyệt Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO với tổng mức đầu tư hơn 3.843 tỷ đồng, trong đó TISCO thu xếp 375 tỷ tiền vốn, còn lại đi vay các ngân hàng.

Đại án Gang thép Thái Nguyên: Vinaincon không đủ năng lực vẫn trúng thầu - 1

TISCO 2 đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng đang nằm "đắp chiếu".

Gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) số 01 thuộc dự án do Công ty Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD. Nhưng sau đó phần C đã được tách ra, giao lại cho nhà thầu phụ là Vinaincon.

Đáng chú ý, để có hợp đồng thi công phần C, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang ký văn bản cho rằng Vinaincon có năng lực xây lắp công trình luyện kim trong khi thực tế công ty này không có năng lực, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Cụ thể, ông Lê Dương Quang ký văn bản nêu ý kiến: Vinaincon là doanh nghiệp nhà nước có năng lực và kinh nghiệm trong công tác xây lắp công trình luyện kim, đã được Bộ Công Thương lựa chọn giới thiệu, chủ đầu tư, MCC chấp nhận..., đề nghị Thủ tướng xem xét chấp nhận đề nghị của VNS.

Vẫn theo cáo trạng, việc tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC và chọn Vinaincon làm nhà thầu phụ dù không đủ năng lực là vi phạm Luật Đấu thầu, làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Thực tế, Vinaincon không đủ năng lực (về nhân công, thiết bị, tài chính...) để tiếp tục hoàn thành các công việc của phần C theo thời hạn và hợp đồng đã ký, do đó đã trả lại các phần việc chưa khởi công, thi công cho TISCO.

Vì vậy, TISCO đã phải ký tiếp 13 hợp đồng phụ với 13 nhà thầu phụ khác để tiếp tục thực hiện phần C nói trên, nhưng đến thời điểm hết hạn hợp đồng (31/5/2011) vẫn không hoàn thành được công việc. Mặc dù phần C của hợp đồng EPC số 01 dở dang, chưa hoàn thành, TISCO đã phải thanh toán cho phần C hơn 877 tỷ đồng (vượt quá giá trị theo hợp đồng EPC số 01: phần C có giá trị gần 43 triệu USD, tương đương hơn 764 tỷ đồng).

Ngoài ra, VNS cũng có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành đồng ý chủ trương chọn Vinaincon làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01; cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh chi phí thực hiện phần C theo các quy định về điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng và nhà thầu Việt Nam được thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá...

Kinh doanh bết bát

Báo cáo tài chính cho thấy vài năm trở lại đây, Vinaincon rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên. Theo báo cáo quý IV/2020 chưa kiểm toán, Vinaincon lỗ hơn 69 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, tăng lỗ hơn 12,9 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Lũy kế cả năm 2020, Vinaincon ghi nhận khoản lỗ hơn 179 tỷ đồng.

Trước đó, Vinaincon lỗ 118 tỷ đồng trong năm 2019, lỗ 284 tỷ đồng trong năm 2018 và lỗ 54 tỷ đồng năm 2017.

Cũng theo báo cáo, tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vinaincon đạt 5.799 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 2.956 tỷ đồng, nợ dài hạn là 3.568 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 725 tỷ đồng.

Vinaincon thành lập ngày 22/9/1998 theo quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Từ tháng 6/2011, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tổng công ty cổ phần. 

Vinaincon bán thầu hưởng phí

Theo Thanh tra Chính phủ, tháng 9/2009, TISCO, MCC ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C với giá tạm tính là gần 43 triệu USD (tương đương hơn 764,1 tỷ đồng theo đơn giá USD thời điểm đó), thời gian thực hiện là 21 tháng.

Tuy nhiên, khi có được hợp đồng, Vinaincon không thực hiện theo cam kết mà ký 40 hợp đồng giao việc và khoán nhân công với 29 nhà thầu khác (28 nhà thầu Việt Nam và 1 nhà thầu Trung Quốc) với giá trị hơn 505,1 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra xác định Vinaincon chuyển nhượng thầu có thu phí quản lý của các nhà thầu với mức 5-10% giá trị hợp đồng. Cụ thể, trong hợp đồng với Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 18, Vinaincon hưởng gần 882 triệu đồng phí quản lý trên tổng giá trị gói thầu 9,7 tỷ đồng. Tại hợp đồng với Công ty cổ phần Xây dựng 203 có giá trị hơn 13,9 tỷ đồng, Vinaincon đã hưởng phí quản lý gần 698 triệu đồng. Tại hợp đồng với Công ty cổ phần Thiết bị công nghiệp MAKSTEEL, Vinaincon hưởng phí quản lý hơn 2 tỷ đồng…

Đáng nói, Vinaincon và các nhà thầu được doanh nghiệp này giao việc không thực hiện các điều khoản cam kết trong hợp đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Đại án Gang thép Thái Nguyên: Vinaincon không đủ năng lực vẫn trúng thầu" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).