Tháng 12/2019, Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, mở đầu cho một đại dịch toàn cầu mà không ai lường trước sẽ kéo dài và cướp đi sinh mạng của 5,3 triệu người trong 2 năm. Một năm sau, những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiền được đưa vào sử dụng, mở ra hy vọng sớm kết thúc đại dịch.
Thế nhưng, đến tháng 12, Covid-19 vẫn khiến nhân loại lo ngại, với sự thống trị của biến chủng Delta lây lan mạnh nhiều tháng qua. Những ngày cuối năm, sự xuất hiện của biến chủng Omicron gây thêm nhiều lo ngại.
Các điểm nóng đại dịch liên tục xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Không một khu vực lớn nào có thể thoát khỏi sự càn quét của nó, kể cả những nơi áp dụng các đợt phong tỏa và biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.
Nhìn lại hai năm Covid-19 cũng như dự đoán về tương lai đại dịch trong năm 2022 với Zing, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng thế giới năm 2021 đã có những thành công nhất định trong việc đối phó với căn bệnh, nhưng phần lớn vẫn gánh chịu mất mát nghiêm trọng.
Họ cũng đồng ý rằng đại dịch sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2022, khi mà bất bình đẳng về vaccine và sự xuất hiện của các biến chủng mới vẫn là những thách thức lớn.
“Thật không may, đại dịch đã trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự khủng khiếp đối với hầu hết thế giới, dù vẫn có những điểm sáng”, phó giáo sư James Trauer - chuyên gia về mô hình dự báo dịch tễ học tại Đại học Monash, Australia - nhận xét.
“Tôi hy vọng xã hội có thể đồng hành hơn để vượt qua những thách thức, từ đó thấy được rằng chúng ta có thể thành công như thế nào khi cùng chung tay”, ông nói với Zing.
Một người phụ nữ cầu nguyện khi hỏa táng người thân mất vì Covid-19 ở Gauhati, Ấn Độ hồi tháng 5. Ảnh: AP.
Hy vọng đan xen tuyệt vọng trong năm 2021
Nhìn nhận tổng quan về tình hình Covid-19 trong năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng thế giới đã tạo ra được những công cụ chống dịch hiệu quả nhưng lại thất bại trong việc sử dụng chúng một cách tối ưu.
“Năm 2021 là năm của hy vọng, chúng ta đã có loại vaccine hiệu quả và an toàn”, giáo sư Catherine Bennett - chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và dịch tễ học tại Đại học Deakin, Australia - nói với Zing.
Ngoài ra, bà và các đồng nghiệp cũng đánh giá “những tiến bộ trong phương pháp điều trị, đặc biệt là thuốc kháng virus và kháng thể đơn dòng” là tín hiệu đáng mừng.
“Sự khác biệt lớn nhất về đại dịch trong năm 2021 so với năm 2020 là sự ra đời của vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả. Hiện tại có nhiều cách để bảo vệ mọi người khỏi tác động tồi tệ nhất từ Covid-19”, theo giáo sư Teo Yik Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Giáo sư Bennett đồng tình với nhận định trên, nhưng lưu ý về sự thiếu đồng đều trong phân phối vaccine trên thế giới: “Vaccine nhanh chóng có mặt ở một số quốc gia, nhưng đến chậm hơn ở một số nước khác. Nhiều quốc gia vẫn còn chật vật trong việc tiếp cận”.
“Về cơ bản, chúng ta đã không thể ngăn chặn một thảm họa lớn”, ông Trauer nhận định.
Cùng quan điểm, Arthur L. Caplan, giáo sư đạo đức sinh học tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York, nhận xét: “Việc xử lý sai lầm xảy ra ở khắp mọi nơi. Nhiều quốc gia vẫn chưa thực sự phản ứng đủ mạnh mẽ trong việc triển khai vaccine, xét nghiệm, cách ly và khẩu trang. Căn bệnh này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát ở một số nước”.
“Không đủ vaccine, các quốc gia nghèo hơn phải tiếp tục dựa vào các biện pháp can thiệp phi dược phẩm, bao gồm biện pháp ngăn chặn gây hại cho nền kinh tế. Họ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm tăng cao, đi kèm với thiệt hại lớn về mạng người”, giáo sư Teo bổ sung.
Vaccine mở ra hy vọng sớm kết thúc đại dịch Covid-19, nhưng bất bình đẳng về vaccine đã trở thành thách thức. Ảnh: Daily Sabah.
Vị chuyên gia Singapore tin rằng năm 2021 đã nhấn mạnh sự bất bình đẳng giữa nước giàu và nước nghèo vốn đã tồn tại từ lâu, và “đáng tiếc là Covid-19 khoét sâu và thậm chí làm gia tăng sự bất bình đẳng đó” thông qua sự bất bình đẳng về vaccine.
“Khoảng thời gian khó khăn và đáng buồn trong năm 2021 đã cho chúng ta thấy rằng trong thời gian khẩn cấp toàn cầu, các chính trị gia ở mỗi nước dường như không thể có cái nhìn toàn cầu. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự bất bình đẳng về vaccine”, Paul Hunter - giáo sư y khoa tại Trường Y Norwich thuộc Đại học East Anglia, Anh - nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng chính điều này khiến thế giới dễ bị tổn thương bởi sự xuất hiện liên tục của các biến chủng mới, mà điển hình là biến chủng Delta và mới nhất là Omicron.
“Thật đáng lo ngại vì Omicron đã đến trước khi chúng ta có thể tiêm vaccine đủ cho thế giới để kiểm soát đại dịch và chuyển sang sống chung với virus”, bà Bennett nói.
Covid-19 sẽ không biến mất, phải tìm cách sống chung
Với xu hướng hiện tại, các chuyên gia cho rằng Covid-19 vẫn sẽ kéo dài thêm ít nhất vài năm nữa. Năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển đổi giữa các tâm dịch trên thế giới. Biến chủng Omicron được dự đoán là chiếm ưu thế, theo sau đó là các biến chủng mới tiềm năng khác.
“Tôi nghĩ Omicron sẽ nhanh chóng lây nhiễm cho hầu hết mọi người trên thế giới. Sau đó chúng ta sẽ thấy các biến chủng khác, nhưng có lẽ chúng sẽ không nguy hiểm như Delta hay như Omicron”, giáo sư Hunter dự đoán.
Giáo sư Bennett cũng có cùng góc nhìn: “Số ca lây nhiễm Omicron sẽ tiếp tục tăng trước khi vaccine tăng cường được triển khai ở tất cả quốc gia”.
Chôn cất nạn nhân Covid-19 ở Jakarta, Indonesia, ngày 24/6. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, tính chất nghiêm trọng của đại dịch được dự đoán giảm xuống trong năm 2022, khi khả năng chống chọi của con người đối với virus đã có những chuyển biến tích cực.
“Một tỷ lệ đáng kể dân số thế giới đã có khả năng miễn dịch ở nhiều mức độ, từ việc nhiễm bệnh, từ vaccine, hoặc cả hai. Tỷ lệ này có lẽ không đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng chắc chắn đủ để giảm số trường hợp bệnh nặng”, giáo sư Hunter nhận xét.
“Virus sẽ tiếp tục tồn tại và SARS-CoV-2 vẫn sẽ lây truyền cho con cháu chúng ta. Thế nhưng trong vài năm nữa, Covid-19 sẽ trở thành một nguyên nhân khác gây ra cảm cúm thông thường”, vị chuyên gia nói thêm.
Giáo sư Caplan đồng ý: “Đại dịch sẽ không kết thúc bất cứ lúc nào sớm hơn, nhưng sẽ lây lan với tỷ lệ thấp hơn và ít gây tử vong”.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng những cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine thấp - do không đủ vaccine hoặc do từ chối tiêm - vẫn sẽ chịu tác động đáng kể từ Covid-19 và khiến đại dịch kéo dài hơn, ảnh hưởng đến các nước khác.
"Đó sẽ là đại dịch của những người chưa được tiêm chủng, bất kể họ đang ở trong một nền kinh tế tiên tiến hay ở một nước nghèo. Các ổ dịch như vậy sẽ hiện hữu ở hầu hết quốc gia, bất kể đất nước đó giàu có hay không”, giáo sư Teo nói.
“Tôi mong đợi thế giới năm 2022 sẽ có sự phân phối vaccine một cách công bằng hơn, cũng như có sự chia sẻ rộng rãi hơn phương pháp điều trị Covid-19", ông nói thêm.
Vị giáo sư hy vọng khi thế giới đã thấy rõ tác động của bất bình đẳng vaccine trong việc thúc đẩy sự xuất hiện của các biến chủng mới, "các nước sẽ nỗ lực thu hẹp khoảng cách này".
Đồng quan điểm, giáo sư Caplan nhấn mạnh bài học mà thế giới học được qua hai năm đại dịch và vẫn sẽ phải tiếp tục học hỏi trong năm tới chính là xem y tế và sức khỏe là "vấn đề toàn cầu, chứ không chỉ của riêng nước nào".