Đại dịch Covid-19: Cuộc khủng hoảng chưa hồi kết

07/11/2021 17:59

Không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe và tính mạng con người, đại dịch Covid-19 cũng là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, được đánh giá còn tác động tiêu cực sâu, rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Dự báo quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài và phụ thuộc nhiều vào bài toán vaccine và quan hệ giữa các nền kinh tế lớn.

Một số tổ chức và chuyên gia dự báo, đại dịch Covid-19 chưa chắc có thể được kiểm soát hoàn toàn trong năm 2021, trong đó quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài và phụ thuộc nhiều vào bài toán vaccine và quan hệ giữa các nền kinh tế lớn…

Thoát đáy mà chưa phục hồi

Tại hội nghị mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cho biết, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép lạm phát đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo trên, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng Bảy và thấp hơn nhiều so với con số 6,5% mà tổ chức này đưa ra vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát vào tháng 1/2020. Mức tăng trưởng dự báo cho năm 2022 giữ nguyên là 4,9%.

Mặc dù kinh tế toàn cầu đã thoát đáy kể từ thời điểm “đóng băng” hồi tháng Tư năm ngoái do các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, nhưng Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhiều nước buộc phải tính trong vòng luẩn quẩn mở cửa biên giới, phát triển kinh tế hay hạn chế tiếp xúc…

Dự báo tăng trưởng giảm mạnh cho năm 2021 phản ánh sự sụt giảm của các nền kinh tế phát triển - một phần do gián đoạn nguồn cung - và đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp thì “độc lực” của đại dịch ngày càng cho thấy sự trầm trọng.

Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị đình trệ vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu các thành phần quan trọng cho sản xuất công nghiệp như thiết bị bán dẫn…, cũng như việc các cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu công nhân... Sự bất cân bằng cung - cầu đã khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao.

Điểm đáng chú ý trong phân tích của IMF là dù dự báo cập nhật chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm nhưng đối với một số nước cụ thể, mức tăng trưởng bị dự báo sẽ giảm mạnh hơn nhiều.

Trong đó, tác động tiếp diễn của đại dịch và những thất bại trong việc phân phối vaccine trên toàn cầu đang ngày càng làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế và gây ra triển vọng không mấy sáng sủa tại các nước đang phát triển. Lạm phát được dự báo sẽ trở lại mức trước khi bùng phát dịch vào năm 2022, song cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các nguy cơ về lạm phát.

WB cũng không mấy lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu khi “bóng đen” Covid-19 vẫn đang hiện hữu. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những rủi ro liên quan đến làn sóng tích lũy nợ toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời, làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng được dự báo từ lâu trong thập kỷ tới.

WB cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4% năm 2021 và con số này phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Đại dịch đã để lộ ra những mắt xích lỏng lẻo và tạo áp lực lên các quốc gia trong việc tổ chức lại các hoạt động sản xuất, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn.

“Bóng ma” quá khứ

“Lạm phát đình trệ” là sự kết hợp bất thường giữa tăng trưởng kinh tế yếu và mức độ lạm phát cao. Lần đầu tiên sau gần một nửa thế kỷ, “lạm phát đình trệ” lại trở thành một vấn đề gây bất ổn đáng sợ, cùng với đó là những mối lo ngại về nguồn cung thiếu hụt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao kéo dài hàng thập kỷ, trong khi các nền kinh tế vẫn chưa thể thoát khỏi đại dịch.

Tình trạng bất thường này từng xảy ra vào năm 1973, khi tỷ lệ lạm phát của Mỹ vọt lên 15% - mức cao nhất trong lịch sử và kéo dài sự bất ổn đến tận năm 1980 tình hình mới kiểm soát được. “Bóng ma quá khứ” này đã thành một chủ đề thảo luận chính hiện nay của các nhà kinh tế học.

Mức lạm phát 5,4% của Mỹ hiện nay là mức cao nhất, tính từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá cả leo thang mạnh, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu và châu Á đẩy giá than và khí đốt lên mức cao kỷ lục.

Giá dầu gần đây đã tăng chóng mặt, đạt hơn 85 USD/thùng, cao gấp đôi so với giá của một năm trước và hơn gần 50% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Cùng với sự mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng, một số nguyên liệu sản xuất như kim loại cứng, đồng, nhôm cũng tăng giá mạnh.

Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trước đó, đã bị bồi thêm “cú đánh knock - out” của Covid-19, khiến nó bị gián đoạn nghiêm trọng. Tình trạng khan hiếm tàu chở hàng dẫn đến giá vận chuyển container từ Trung Quốc sang châu Âu hoặc sang Mỹ tăng hàng trăm phần trăm. Những tác động chưa thấy điểm dừng của đại dịch, còn gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và lạm phát tiền lương.

Đối với hệ thống tài chính toàn cầu, lượng thanh khoản đã chạm mức chưa từng có, bởi “tác dụng phụ” của chính sách nới lỏng tiền tệ bất thường, quy mô lớn, mà các ngân hàng trung ương và chính phủ buộc phải kích hoạt, nhằm ứng phó trong đại dịch.

Giới phân tích nhận định, bối cảnh kinh tế hiện nay có dẫn đến lạm phát đình trệ hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc, lạm phát và cú sốc nguồn cung là nhất thời hay lâu dài. Thách thức từ nguồn cung là liệu sự gián đoạn do tác động của Covid-19 đối với hoạt động sản xuất và đầu tư có thể được giải quyết trước khi lạm phát tăng lên ở mức cao không tưởng hay không?

Mấu chốt chuỗi cung ứng

Hiện tại, khó khăn hơn cả có lẽ là việc sửa chữa những điểm yếu trong chuỗi cung ứng. Đại dịch đã để lộ ra những mắt xích lỏng lẻo và tạo áp lực lên các quốc gia trong việc tổ chức lại các hoạt động sản xuất, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn. Dự kiến sẽ mất khá nhiều thời gian và chi phí để hoàn thiện việc tái cơ cấu trên toàn cầu.

Trong khi đó, lạm phát cao trên thực tế và mức tăng trưởng liên tục thấp, đang buộc các ngân hàng trung ương sớm phải hành động, rút dần các biện pháp khẩn cấp bất thường, đẩy lãi suất tăng trong một thế giới có mức nợ lớn chưa từng có. Quyết định tăng lãi suất đúng là có thể kìm hãm lạm phát, nhưng đi kèm sẽ là suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao và một thị trường tài chính yếu ớt.

Tất nhiên, theo thời gian, mọi khó khăn rồi cũng sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, những bước đi không được tính toán kỹ hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mới, có quy mô có thể lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Đó là nguy cơ về sự kết hợp của lạm phát cao - tăng trưởng thấp và tăng nợ.

Bạn đang đọc bài viết "Đại dịch Covid-19: Cuộc khủng hoảng chưa hồi kết" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).