Đại học Tôn Đức Thắng: Chi gần 260 tỷ đồng cho bài báo quốc tế, mất cân đối kinh phí đầu tư

02/11/2022 12:29

Theo báo cáo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, với 5.569 bài (trong thời gian từ ngày 1/1/2019 – 31/12/2021), tổng số tiền mà trường phải thanh toán cho các tác giả là hơn 259 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số công bố quốc tế của trường nhiều nội dung không liên quan đến các chuyên ngành đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có thông báo kết quả kiểm tra về một số hoạt động, trong đó chủ yếu là hoạt động khoa học công nghệ, của 2 trường là Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc kiểm tra chủ yếu mang tính chất hành chính, trên cơ sở báo cáo của các trường, các đoàn kiểm tra đối sánh với một số minh chứng, từ đó đưa ra nhận định và khuyến cáo, báo cáo lên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

truong-dai-hoc-ton-duc-thang-1667361108.jpg

Kiểm tra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đoàn kiểm tra nhận thấy có sự thay đổi rõ rệt về chính sách phát triển nghiên cứu khoa học, giúp cho nhà trường giảm được đáng kể thành tích ảo về công bố quốc tế.

Báo cáo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng với đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 1/1/2019 – 31/12/2021, các nhà khoa học của trường (bao gồm cả các nhà khoa học ngoài trường ký hợp đồng làm việc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng) đã công bố 5.569 bài báo trên các tạp chí khoa học có trong chỉ mục trích dẫn của WoS (Web of Science, cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics, Hoa Kỳ) và Scopus (cơ sở dữ liệu trích dẫn và tóm tắt các ấn phẩm khoa học được tuyển chọn và quản lý bởi Elsevier, Hà Lan).

Trong đó 1.804 bài do cán bộ cơ hữu (240 nhân sự) của trường công bố; 3.765 do cán bộ kiêm nhiệm (415 nhân sự, trong đó 184 người trong nước, 231 người nước ngoài) của trường công bố.

Năm 2019, trường công bố 2.432 bài báo, trong đó 767 bài do cán bộ cơ hữu công bố, 1.665 bài do cán bộ kiêm nhiệm công bố. Năm 2020, có 2.634 bài báo, trong đó 762 bài do cán bộ cơ hữu công bố, 1.872 bài do cán bộ kiêm nhiệm công bố. Nhưng đến năm 2021 thì số lượng công bố quốc tế của trường giảm xuống đột ngột, chỉ còn 503 bài báo, trong đó 275 bài do cán bộ cơ hữu công bố, 228 bài do cán bộ kiêm nhiệm công bố.

Nguyên nhân của việc giảm số lượng bài báo là do lãnh đạo nhà trường điều chỉnh chính sách (từ ngày 25/9/2020) với các nghiên cứu viên hợp tác nghiên cứu viết bài công bố khoa học. Trong đó, nhà trường chỉ tập trung ưu tiên ký hợp đồng với các nghiên cứu viên là nhà khoa học có các hoạt động hợp tác thiết thực.

Trước đó, từ tháng 8/2020 đến nay đã cắt giảm, chấm dứt hợp đồng với hơn 300 người trong và ngoài nước đã ký hợp đồng với trường. Việc điều chỉnh này diễn ra sau khi trường nhận được sự phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội, và từ cả nhiều nhà khoa học của trường về chính sách tăng trưởng công bố quốc tế không dựa vào thực chất. Đồng thời, nhiều nhà khoa học ngoài trường cũng đã tự rút lui dù trước đó đã ký hợp đồng.

Từ tháng 9/2020 đến nay, dù trường đã điều chỉnh chính sách phát triển khoa học công nghệ theo hướng thực chất nhưng nhà trường vẫn tiếp tục phải giải quyết các tồn đọng để lại từ giai đoạn trước, đặc biệt là về gánh nặng tài chính.

Theo báo cáo của trường, với 5.569 bài (trong 3 năm), tổng số tiền mà trường phải thanh toán cho các tác giả là hơn 259 tỉ đồng. Vì các hợp đồng trường ký với các tác giả bài báo trước thời điểm 8/2020 vẫn còn hiệu lực, số lượng bài báo công bố quốc tế mà tác giả đã thực hiện và đề nghị nghiệm thu thanh toán còn tồn đọng và kinh phí của các bài báo tiếp tục phát sinh cho đến khi hết hạn hợp đồng. Do đó, số bài chưa thanh toán phát sinh đến tháng 4/2022 là 161 tỉ đồng.

Ngoài ra, trường đang phải gánh hậu quả dù có được số lượng bài báo công bố quốc tế lớn với chi phí hàng trăm tỉ đồng nhưng một số công bố quốc tế của trường nhiều nội dung không liên quan đến các chuyên ngành đào tạo.

Kết luận kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ 3 tồn tại, hạn chế tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng như sau:

Thứ nhất, từ năm 2019 – 2020, nhà trường có biểu hiện “nôn nóng” trong việc công bố quốc tế, không dựa trên định hướng thế mạnh thực tế của Trường, số lượng công bố quốc tế không dựa vào tiềm lực sẵn có của Trường mà chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm (trong nước và nước ngoài) ngoài Trường.

Công bố quốc tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tác giả là người nước ngoài và cán bộ kiêm nhiệm là người trong nước rất cao, chiếm tới 70% tổng số công bố quốc tế của trường trong giai đoạn 2019 – 2021.

Thứ hai, kinh phí chi cho công bố quốc tế năm 2019, 2020 của trường chiếm tỷ lệ 10 – 14% nguồn thu từ học phí là không phù hợp với Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ.

Thứ ba, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ký hợp đồng với các nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác trong nghiên cứu khoa học có nhiều nội dung không phù hợp. Qua kiểm tra xác suất một số hợp đồng, nội dung hợp đồng không thể hiện rõ thông tin cũng như nhiệm vụ cần thực hiện: đơn vị công tác, lĩnh vực chuyên môn…

Kết luận kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ: Trong những năm trước, trường đã xây dựng và ban hành một số chủ trương chính sách thúc đẩy công bố quốc tế chưa tập trung vào việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học cơ hữu của Nhà trường, các kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế chủ yếu dựa vào việc hợp tác với các nhà khoa học ngoài trường, đặc biệt là các nhà khoa học nước ngoài.

Kinh phí chi trả cho hoạt động công bố quốc tế không hợp lý, mất cân đối với các nguồn kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động khác của Nhà trường; chưa có chính sách phù hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Bạn đang đọc bài viết "Đại học Tôn Đức Thắng: Chi gần 260 tỷ đồng cho bài báo quốc tế, mất cân đối kinh phí đầu tư" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).