“Bức tử” môi trường
Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều hộ dân tại thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) về việc 2 trang trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Trần Sum và trại lợn thương phẩm của ông Đinh Thăng Long (nay đã chuyển nhượng cho một người tên Nhật đứng tên) xả nước thải chưa đạt chuẩn ra rào Mỹ Dương, bốc mùi hôi thối, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại 2 trang trại trên. Qua ghi nhận, khu xử lý chất thải của 2 trại chỉ cách nhau một kênh nước chung chảy ra hồ chứa nước lớn trước khi xả xuống rào Mỹ Dương. Kênh này là nơi chứa nước thải của 2 trang trại, toàn bộ nước đã chuyển màu đen, dù bịt 2 lớp khẩu trang dày nhưng vẫn cảm nhận được mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Tại khu chứa chất thải chăn nuôi lợn nái của ông Phạm Trần Sum có 1 bể biogas và 2 bể lắng. Nhưng bể lắng thứ 2 đã bị vỡ hai đầu, nước thải tự do chảy ra hồ chứa khi chưa được xử lý. Tại tầng bể lắng cuối cùng nước thải vẫn có màu đen kịt, đặc quánh và bốc mùi.
Riêng tại trại nuôi lợn thương phẩm của ông Nhật (trước là của ông Đinh Thăng Long) thì bể biogas đã có dấu hiệu bị xẹp, một phần chất thải từ chuồng lợn chảy trực tiếp ra ngoài, tạo thành một lớp đen dày đặc ở bãi đất trống. Dọc bờ bao cạnh chuồng trại, số lượng chất thải chưa qua xử lý bị chảy ra rất nhiều, đọng lại tại các bụi cây, bãi cỏ, mùi phân lợn bốc lên nồng nặc, ô nhiễm cả khu vực.
Không những vậy nước tại bể lắng cuối cùng để xả ra môi trường vẫn đen ngòm, từng mảng chất thải vẫn nổi váng lềnh bềnh trên mặt nước. Đặc biệt, dọc kênh xả nước đã qua xử lý ra môi trường bị nhuộm đen.
Một cán bộ giám sát tại trang trại ông Sum thừa nhận, bể lắng thứ 2 đã bị vỡ, nước thải tự chảy ra khu vực hồ lắng thứ 3 và hiện chưa khắc phục.
Được biết, trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Phạm Trần Sum được quy hoạch nuôi 300 con lợn nái và 600 con lợn thương phẩm. Năm 2019 ông Sum nhận chuyển nhượng từ HTX Trí Hào.
Còn trang trại của ông Nhật có quy mô 2 chuồng, nuôi 1.200 con lợn thương phẩm. Theo xác nhận của chính quyền xã Xuân Mỹ, ông Long đã chuyển nhượng trang trại này cho ông Nhật quản lý, vận hành.
Cuộc sống người dân đảo lộn
Ngôi nhà của ông Nguyễn Hồng Quang, trú thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ cách 2 trang trại chăn nuôi của ông Sum và ông Nhật khoảng 400m, nhưng vào buổi chiều hoặc khi trở trời, có gió, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà, gia đình ông phải đóng kín cửa.
“Chúng tôi ở cũng xa các trại mà có những thời điểm mùi hôi thối nồng nặc. Nước của rào Mỹ Dương nhiều hôm đen ngòm, cá cũng chết. Vì rào này là nước đầu nguồn, tưới tiêu của nhiều xã nên lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường”, ông Quang nói.
Còn ông Phan Thanh Lý, nguyên trưởng thôn Tân Mỹ (nay là thôn Hồng Mỹ) phản ánh, trong thôn chỉ có khoảng 40 hộ dân, nhưng có tới 5 - 6 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt đang hoạt động và 1 trang trại đang được xây dựng.
“Nước xả ra môi trường còn đen ngòm, mùi hôi như vậy liệu có đảm bảo. Trong khi đó khu nước thải nằm ở đầu nguồn lạch, người dân chúng tôi vô cùng lo lắng”, ông Lý nói.
Theo phản ánh của người dân, hiện trang trại của ông Sum và ông Nhật đang có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nặng nề. Nguyên nhân là do 2 trại này nằm sát nhau, cùng chảy chung một cái mương, trước khi đổ ra rào Mỹ Dương.
Riêng trại của ông Nhật, do các hồ lắng bị cô lập giữa trại của bà Lê Thị Vang và trại ông Sum nên đến mùa mưa lũ nước thải từ các hồ lắng này chảy tràn trực tiếp ra rào Mỹ Dương, thậm chí chảy lênh láng ra các khu đất của các trang trại khác gần đó, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Lê Duy Tân, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ thừa nhận, vào mùa mưa lũ có tình trạng các trang trại xả trộm ra môi trường.