“Đất vàng” họ Transerco: Khu đất 90 Nguyễn Tuân biến thành dự án thương mại như thế nào?

03/06/2022 14:36

Theo tìm hiểu của PV, khu đất rộng gần 3,7 ha tại 90 Nguyễn Tuân trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Transerco quản lý, sử dụng. Ban đầu, khu đất này được cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên.

Ngày 17/12/2012, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản số 10089/UBND-QHXDGT, thông báo chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Transerco, chỉ định nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của mình.

Văn bản trên cũng nhấn mạnh việc UBND thành phố Hà Nội cho phép Transerco “không tham gia Liên danh góp vốn” vào dự án. Đơn vị được chỉ định làm nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai là Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco 7).

Với việc Transerco không liên danh góp vốn vào dự án, cùng với đó là chỉ định Urinco 7 làm nhà đầu tư, dư luận thời điểm đó đã đặt ra nghi vấn liệu có hay không kịch bản đổi chủ, thâu tóm ngầm khu đất công có vị trí đắc địa này?

Ngày 24/12/2015, Urinco 7 có tờ trình số 415/TTr/CT-ĐT về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.

Chỉ 6 ngày sau, ngày 31/12/2015, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có tờ trình số 14545/TTr/SXD gửi UBND thành phố Hà Nội về việc chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân. Ngày 20/1/2016, Sở Xây dựng Hà Nội lại tiếp tục có Văn bản số 575/SXD-QLDA với cùng một nội dung như trên. Hơn 1 tháng sau, ngày 3/02/2016, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định chủ trương đầu tư số 597/QĐ-UBND cho dự án 90 Nguyễn Tuân.

z3440927852242af0362c9493dda26a5b6b6fc61d5fad1
Sau nhiều quy trình, thủ tục, Urinco 7 đã chính thức trở thành chủ đầu tư dự án tại khu đất vàng 90 Nguyễn Tuân – một khu đất công của Nhà nước – mà không cần qua bước đấu giá quyền sử dụng đất.

Đến ngày 7/7/2017, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4379-QĐ/UBND về việc thu hồi 37.062,2m2 đất tại số 90 đường Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 của ông Nguyễn Mạnh Thắng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Ngày 8/12/2017, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD cho dự án trên.

Như vậy, sau nhiều quy trình, thủ tục, Urinco 7 đã chính thức trở thành chủ đầu tư dự án tại khu đất vàng 90 Nguyễn Tuân – một khu đất công của Nhà nước – mà không cần qua bước đấu giá quyền sử dụng đất. Dường như các quyết định của UBND thành phố Hà Nội có phần “bật đèn xanh” để Urinco 7 thuận lợi trong việc thâu tóm đất vàng.

Mặt khác, một khu đất vốn được sở hữu bởi một doanh nghiệp Nhà nước, nay được chuyển đổi thành dự án nhà ở thương mại mà không qua bước đấu giá đã tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát ngân sách. Tại sao các quy trình, thủ tục vốn dĩ phải được thực hiện theo quy định pháp luật lại dễ dàng bị bỏ qua như vậy?

Cần phải nói thêm, xuyên suốt quá trình làm thủ tục ban đầu, mục đích xây dựng dự án trên vẫn được giữ nguyên trên giấy tờ là “Xây dựng khu nhà ở nhằm cải thiện nhu cầu và điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty”.

z3440927823242422656b9be8b679cd6c38cd9d862619d
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý, lãnh đạo Transerco và Urinco 7 đều đồng loạt khẳng định dự án 90 Nguyễn Tuân không phải dự án chính sách và không dành cho cán bộ công nhân viên (?!?).

Tuy nhiên các cán bộ, nhân viên của Transerco từng bức xúc phản ánh trên báo chí rằng họ nhận được thông báo về giá nhà chung cư bán cho cán bộ công nhân viên là 31.500.000đ/m2 và giá nhà ở liền kề là 125.000.000đ/m2. Đây là mức giá khó có thể coi là “ưu đãi”, và nhìn xa hơn, có thể ngầm hiểu rằng cán bộ công nhân viên của Transerco đã bị gạt ra khỏi dự án dành cho chính họ.

Phản hồi trên báo chí về những thắc mắc trên, ông Nguyễn Mạnh Thắng -  Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 thời điểm đó khẳng định dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân không phải là dự án chính sách, không phải dự án nhà ở xã hội, thu nhập thấp mà chỉ là ưu tiên ký kết với Tổng công ty Vận tải Hà Nội về việc bán nhà.

Về phía Transerco, đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng đây không phải là dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Hơn nữa, các giấy tờ văn bản, thủ tục đã thanh lý hợp đồng nên Tổng công ty Vận tải Hà Nội không còn trách nhiệm với khu đất này và không thể can thiệp (?!?).

Bạn đang đọc bài viết "“Đất vàng” họ Transerco: Khu đất 90 Nguyễn Tuân biến thành dự án thương mại như thế nào?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).