Dấu hiệu hình sự của Quốc Cường Gia Lai trong vụ Tân Thuận

02/03/2022 15:13

CQĐT đề nghị truy thu hơn 21,2 tỉ nhưng Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị xem xét lại một phần.

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ sai phạm gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận do Trần Công Thiện (sinh năm 1965, cựu tổng giám đốc) cùng đồng phạm thực hiện.

Trước đó, VKS đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề vụ án. Trong đó VKS cho rằng Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản phải hiểu rõ quy định của pháp luật trong việc mua bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, công ty này đã nhận chuyển nhượng tài sản từ Công ty Tân Thuận không thông qua đấu thầu. Do đó cần điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Quá trình điều tra, CQĐT có lấy lời khai và trách nhiệm các cá nhân liên quan. Cụ thể bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai khai về quá trình chuyển nhượng dự án Khu dân cư (KDC) Phước Kiển và KDC Ven Sông với Công ty Tân Thuận.

khudatkdcphuockien-uemu-1646208574.jpeg
Khu đất khu dân cư Phước Kiển, Nhà  Bè, Ảnh: CTV

Đáng chú ý, bà Loan cho rằng số tiền lãi hơn 21,2 tỉ mà Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai sau khi huỷ hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển, bà xin nộp lại phần chênh lệch lãi suất giữa tiền Công ty Tân Thuận thu được từ thực tế gửi tiết kiệm và thoả thuận lãi suất khi 2 công ty huỷ bỏ hợp đồng và phụ lục. Số tiền còn lại bà đề nghị CQĐT xem xét để Công ty Quốc Cường Gia Lai không nộp lại do đây là tiền lãi phát sinh từ số tiền công ty chuyển cho Công ty Tân Thuận.

Đến nay, CQĐT xác định số tiền 21,2 tỉ trên, công ty Quốc Cường chưa nộp lại. Đối với bà Loan, CQĐT kết luận sẽ tiếp tục xem xét xử lý trách nhiệm sau trên cơ sở kết luận giám định của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và kết quả điều tra. Đồng thời, truy thu số tiền hơn 21,2 tỉ đồng của Công ty Quốc Cường Gia Lai. 

Trước đó, CQĐT cho rằng chưa có cơ sở xác định bà Loan có sự thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không xem xét trách nhiệm hình sự

Theo hồ sơ, tháng 8-2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai có đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè. Tháng 6-2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho công ty này với giá 1,29 triệu đồng/mvà đã nhận 374 tỉ đồng và 23 tỉ đồng tiền thuế.

Sau đó, Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại giá trị khu đất. Kết quả trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỉ đồng.

Cuối năm 2017, Thường trực Thành ủy chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng khu đất cho Quốc Cường Gia Lai, không đồng ý bán chỉ định. Hợp đồng chuyển nhượng sau đó đã bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai số tiền trên cùng tiền lãi, gây thiệt hại cho Nhà nước 167,8 tỉ đồng.

Tương tự, tháng 11-2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng đối với 32.967m2 đất thuộc khu 4 dự án KDC Ven Sông (tại phường Tân Phong, quận 7) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m , gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 80 tỉ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Dấu hiệu hình sự của Quốc Cường Gia Lai trong vụ Tân Thuận" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).