Để “hạ nhiệt” giá xăng dầu: Có giảm được kịch khung thuế bảo vệ môi trường?

29/06/2022 10:50

Để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, cần mạnh dạn giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng với xăng dầu. Có như vậy mới tránh tác động tiêu cực thêm nữa cho sản xuất, kinh doanh.

Mạnh dạn đề nghị giảm kịch khung thuế Bảo vệ môi trường

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng (chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội) cho biết, việc giá xăng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải rơi vào tình thế “sống dở chết dở”; trong đó có nhiều doanh nghiệp không còn khả năng chịu đựng, buộc phải “cất xe”, chờ giá xăng dầu giảm.

giam-gia-xang-1656474336.jpg Người tiêu dùng lao đao vì giá xăng tăng mạnh. Ảnh: C.N

“Chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí của doanh nghiệp, trong khi hiện khó tăng giá cước vì lượng hành khách chưa ổn định sau dịch. Khoảng 300 xe của công ty hiện chỉ chạy cầm chừng, thậm chí xe chạy nhiều càng lỗ nên thời gian tới đang tính phương án có thể tạm dừng việc chạy xe tuyến cố định đường dài để chuyển sang mô hình khác”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, để giảm giá xăng dầu, vừa qua thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 2.000 đồng/lít xăng và hiện Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít, song mức giảm này không có tác động đáng kể khi giá xăng dầu đã tăng quá cao.

“Chúng tôi kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ mạnh tay hơn trong đề xuất chính sách thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu. Bởi nếu chậm, mặt bằng giá mới với các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ thiết lập theo đà tăng của giá nhiên liệu, thì khi đó việc kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông Hải nói.

Ông Bùi Danh Liên - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nêu, trước đây xăng dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí thì nay chiếm tới 45-50%, do vậy việc giá xăng dầu tăng cao đã gây thêm khó khăn cho các đơn vị vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách.

Ông nói nhiều người cho rằng giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải cần tăng giá cước nhưng khi tăng liệu có thêm khách hay khách càng giảm đi, chưa kể việc tăng giá phải làm các thủ tục, báo cáo cơ quan chức năng.

Vì vậy trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay và vẫn có chiều hướng tăng, ông Liên kiến nghị, Chính phủ và các bộ cần mạnh dạn đề xuất giảm kịch khung thuế Bảo vệ môi trường; hoặc miễn, giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Nhập khẩu, thuế Giá trị gia tăng.

“Bộ Tài chính nên đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng với xăng dầu thì mới có thể hạ nhiệt được mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực thêm nữa cho sản xuất, kinh doanh Có như vậy thì mới chặn được đà tăng của giá xăng dầu”, ông Liên nói.

Cơ quan nào có quyền quyết giảm kịch khung thuế Bảo vệ môi trường?

Việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường, theo chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, “không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính vì vậy, muốn giảm kịch khung thuế này phải chờ đến kỳ họp cuối năm.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, việc tăng giá xăng dầu thời điểm này là khó tránh do giá dầu thế giới “leo thang” và tác động này mang tính toàn cầu nhưng Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể để giảm thiểu tối đa tác động, rủi ro của việc tăng giá xăng đến đời sống nhân dân và sự phát triển chung của nền kinh tế.

“Trước đây, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý. Với thuế Bảo vệ môi trường, nếu muốn giảm 50% còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội và tương tự với thuế Tiêu thụ đặc biệt hay thuế Nhập khẩu... cũng như vậy”, bà Nga cho hay.

Do đó nữ đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội giảm thuế ngay để giảm giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát.

Bà nêu rõ, nhiều người cho rằng muốn giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn, giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Nhập khẩu... phải chờ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (dự kiến vào tháng 10.2022), nhưng nếu thực sự cần thiết, Quốc hội vẫn có thể triệu tập kỳ họp bất thường để quyết định ngay những vấn đề trọng đại, ảnh hưởng lớn đến người dân.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho Lao Động biết, bài toán kiểm soát giá xăng dầu cần được tính toán, đánh giá đầy đủ để dự báo được xu hướng giá xăng dầu nhằm có một lộ trình, giải pháp kiểm soát, điều hành giá mang tính bền vững hơn.

“Sở dĩ Bộ Tài chính không đề nghị giảm kịch khung thuế Bảo vệ môi trường mà chỉ đề xuất giảm thêm 1.000 đồng với xăng và 500 đồng với dầu là vì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định được, có thể làm được ngay”, ông nói. Cũng theo ông Bảo, ngoài việc giảm thuế, cần thực hiện chính sách an sinh.

Theo đó, trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao, chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu sẽ bớt phần khó khăn.

“Đối với mỗi đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đà tăng của giá xăng dầu cần phải có những hỗ trợ trực diện. Tôi cho rằng, những đối tượng cần được hỗ trợ ngay là các ngư dân bám biển, hệ thống vận tải, logistics. Vì vậy, việc đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động là hợp lý”, ông nói.

Phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá xăng dầu

Đó là quan điểm của ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Tài chính trong buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, để bình ổn xăng dầu, thứ nhất là phải tìm được nguồn cung dồi dào nhưng giá rẻ. Thứ hai là liên quan đến thuế. Về giải pháp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế.

Hiện nay, trong cơ cấu giá xăng có các sắc thuế gồm thuế nhập khẩu, VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường, hiện đã giảm 2.000 đồng/lít và Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm tiếp 1.000 đồng/lít; còn về thuế tiêu thụ đặc biệt nếu giảm phải trình Quốc hội theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Thứ ba, theo Bộ trưởng, đồng thời với giảm thuế thì cần phải ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu. Bộ Tài chính cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề nêu trên để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ổn định đời sống nhân dân.

Bạn đang đọc bài viết "Để “hạ nhiệt” giá xăng dầu: Có giảm được kịch khung thuế bảo vệ môi trường?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).