Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội cho biết, ngành ngân hàng đang tổ chức triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai các Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời lên Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Trong đó, cơ quan quản lý đã đề ra mục tiêu: Tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.
Hướng đến, phát triển hệ thống các TCTD theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng... đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng và tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, NHNN đã có văn bản yêu cầu TCTD thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, hoạt động của TCTD, đồng thời nhận định những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần xử lý, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của TCTD giai đoạn 2021-2025 và lộ trình thực hiện đảm bảo phù hợp với Đề án tái cơ cấu. Đồng thời, NHNN tiếp tục hướng dẫn các TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai.
Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch 2023 của Chính phủ cũng cho biết, các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc được chỉ đạo hoàn thiện phương án cơ cấu lại, tiếp tục phối hợp với các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mới đây nhận định: Cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa rõ nguyên nhân và trách nhiệm”.