Điểm sáng trong bức tranh mờ mịt về biến chủng Omicron

10/12/2021 09:26

Dù chưa có nhiều dữ liệu, nhiều chuyên gia nhận định các loại vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả phần nào trong việc ngăn chặn triệu chứng nặng khi nhiễm biến chủng Omicron.

ca nhiem bien chung omicron o Botswana anh 1

Trong khi hàng loạt quốc gia ra lệnh cấm nhập cảnh bằng đường hàng không với những nước từ miền Nam châu Phi do lo ngại đợt bùng dịch từ biến chủng Omicron, giới khoa học đang liên tục thu thập dữ liệu. Một trong những dữ liệu quan trọng nhất có lẽ là khả năng bảo vệ của các loại vaccine hiện tại trước biến chủng mới.

Những phát hiện ban đầu là một bức tranh hỗn loạn. Các chuyên gia cho biết biến chủng này có thể dễ lây truyền hơn và có khả năng né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể, đến từ vaccine lẫn miễn dịch tự nhiên, tốt hơn nhiều so với các chủng trước đó.

New York Times nhận định các loại vaccine vẫn có thể tiếp tục ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, mặc dù có khả năng cần tiêm thêm liều tăng cường để bảo vệ hầu hết mọi người.

“Đừng trì hoãn tiêm chủng đầy đủ”

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết mức độ tác động đến từ biến chủng Omicron tới nước này có thể không quá nghiêm trọng do phần lớn dân số đã tiêm chủng và phơi nhiễm với biến chủng Delta từ đợt dịch tháng 7.

“Với tốc độ tiêm chủng nhanh chóng ở Ấn Độ và độ phơi nhiễm cao với biến chủng Delta, mức độ nghiêm trọng (đến từ Omicron) được dự đoán là thấp”, tuyên bố hôm 3/12 cho biết. “Tuy nhiên vẫn cần thu thập thêm bằng chứng khoa học”.

Thông báo đưa ra giữa lúc Ấn Độ ghi nhận 2 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.

Một trong số họ, 66 tuổi, quốc tịch Nam Phi, tới từ đó và đã rời Ấn Độ vào ngày 27/11. Người đàn ông thứ 2 là bác sĩ 46 tuổi ở thành phố Bengaluru không có lịch sử đi du lịch. 5 người tiếp xúc gần bác sĩ có kết quả dương tính và đang được giải trình tự gene, theo BBC.

Ấn Độ đang xét nghiệm và giải trình tự gene ngẫu nhiên 2% tổng số khách du lịch quốc tế. Tính tới giữa tuần này, gần 8.000 hành khách đã được xét nghiệm.

Nước này đang tìm cách gia tăng tỷ lệ người tiêm mũi thứ 2. Tiến sĩ Balram Bhargava, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, khuyến cáo mọi người không nên hoảng sợ và hãy đi tiêm phòng.

“Đừng trì hoãn việc tiêm phòng đầy đủ”, ông nói.

Phía Nam Phi - nơi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới về biến chủng Omicron vào ngày 24/11 - cũng có nhận định tương tự.

Anne von Gottberg, chuyên gia tại NICD, khẳng định “vaccine vẫn có hiệu quả bảo vệ trong chống lại triệu chứng nặng, nhập viện và tử vong”.

Tuy nhiên, theo bằng chứng dịch tễ học mới nhất mà Viện Quốc gia về bệnh Truyền nhiễm (NICD) thu thập, Omicron có khả năng tránh được miễn dịch có được khi nhiễm chủng trước đó. Biến chủng này cũng gây ra tỷ lệ tái nhiễm cao gấp 3 lần so với chủng cũ.

“Chúng tôi tin rằng số ca mắc sẽ tăng theo cấp số nhân ở tất cả tỉnh thành trong cả nước”, bà nói. Tính tới ngày 3/12, Nam Phi ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới, trong khi số ca 1 tuần trước đó là hơn 3.000.

ca nhiem bien chung omicron o Botswana anh 2

Một người phụ nữ nhận liều vaccine Pfizer/BioNTech thứ hai ở Katlehong, phía đông Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AP.

Tại Mỹ, nơi biến chủng Omicron đã lây lan sang 6 bang, tiến sĩ Anthony S. Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, kêu gọi mọi người đi tiêm để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Với sự xuất hiện của biến chủng mới có thêm nhiều đột biến, dù chưa được đánh giá đầy đủ, liều vaccine tăng cường quan trọng hơn bao giờ hết. Ông chỉ ra liều vaccine mRNA thứ 3 của Pfizer và Moderna rõ ràng làm tăng mức độ kháng thể, tế bào ghi nhớ B và T. Cả ba đều là những chỉ số quan trọng cho thấy hệ thống miễn dịch được bảo vệ tốt chống lại Covid-19.

“Dù chúng tôi chưa chứng minh được điều đó, có mọi lý do để tin rằng nếu chủng ngừa đầy đủ, và thêm liều tăng cường, bạn đã được bảo vệ khỏi khả năng bệnh nặng, thậm chí chống lại cả Omicron”, ông nói.

Giám đốc điều hành của BioNTech, ông Ugur Sahin, cũng khẳng định mặc dù biến chủng mới có khả năng né tránh kháng thể được tạo ra từ vaccine, virus vẫn tổn thương vì bị các tế bào miễn dịch tiêu diệt khi xâm nhập cơ thể, theo Reuters.

“Có khả năng mọi người sẽ được bảo vệ đáng kể chống lại bệnh nghiêm trọng (cần nhập viện hoặc vào phòng chăm sóc đặc biệt) do Omicron gây ra”, ông nói.

“Thông điệp của chúng tôi là: Đừng lo lắng, kế hoạch vẫn như cũ, tăng tốc độ tiêm mũi thứ ba”, tiến sĩ Sahin cho biết. “Điều khiến tôi lo lắng duy nhất lúc này là có người vẫn chưa tiêm phòng”.

Hai lớp bảo vệ

Theo Wall Street Journal, vaccine do Pfizer/BioNTech phát triển, giống như hầu hết loại vaccine khác, cung cấp hai lớp bảo vệ riêng biệt chống lại virus.

Lớp đầu tiên gồm các kháng thể có thể giúp ngăn chặn mọi người mắc bệnh ngay từ đầu bằng cách không cho virus xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

Tuy nhiên, kháng thể bắt đầu suy yếu vào khoảng 5 tháng sau khi tiêm liều thứ hai, theo một số nghiên cứu. Do số lượng đột biến cao, Omicron có khả năng tốt hơn trong việc phá vỡ kháng thể được tạo ra khi tiếp xúc với vaccine hơn là Delta, tiến sĩ Sahin nói.

Đặc tính này có thể giải thích từ thử nghiệm sơ bộ cho thấy một loại thuốc kháng thể từ Regeneron Pharmaceuticals không hiệu quả chống lại Omicron như so với các biến chủng cũ. Một loại thuốc kháng thể khác của Eli Lilly & Co. cũng mất tác dụng.

Nhưng vaccine cung cấp thêm lớp bảo vệ thứ hai: Tác nhân miễn dịch được gọi là các tế bào T, một vài trong số đó được huy động để tiêu diệt tế bào bị nhiễm bệnh.

ca nhiem bien chung omicron o Botswana anh 3

Vaccine cung cấp 2 lớp bảo vệ. Ảnh: Reuters.

“Niềm tin của chúng tôi (rằng vaccine có tác dụng chống lại Omicron) bắt nguồn từ khoa học: Nếu virus né tránh được hệ miễn dịch, nó sẽ chống lại kháng thể, nhưng vẫn có lớp miễn dịch thứ 2 bảo vệ khỏi bệnh nặng - tế bào T”, ông Sahin nói.

Có thể mất hàng tuần để đối chiếu dữ liệu nhằm hiểu được tác động của Omicron với những người đã tiêm chủng. Số bệnh nhân đến nay vẫn còn quá nhỏ nên không thể biết liệu Omicron có triệu chứng nhẹ hay nghiêm trọng hơn so với các biến chủng khác.

Peter English, cựu cố vấn dịch tễ học ở Anh, cho biết giới nghiên cứu muốn xem xét dữ liệu mắc bệnh ở chính nước họ thay vì Nam Phi vì quốc gia này có dân số trẻ hơn nhiều phương Tây và tỷ lệ tiêm chủng cũng thấp. “Tất cả những điều đó khiến cho việc so sánh khó khăn”, ông nói.

Tuy nhiên, nhà sản xuất của hai loại vaccine mRNA, Pfizer/BioNTech và Moderna, đã sẵn sàng sửa đổi vaccine của họ nếu cần.

Tiến sĩ Sahin ước tính rằng việc đưa một loại vaccine mới nhắm hoàn toàn vào Omicron sẽ mất 100 ngày, nhưng đây có thể là điều không cần thiết.

“Chúng tôi có kế hoạch triển khai tiêm mũi thứ 3 cho mọi người, chúng tôi phải bám sát kế hoạch này và đẩy nhanh tiến độ", ông nhận định.

 

Bạn đang đọc bài viết "Điểm sáng trong bức tranh mờ mịt về biến chủng Omicron" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).