Không được giải ngân, thiếu hụt dòng tiền
Cách đây 2 ngày, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA) - đại diện hơn 16.000 DN hội viên - có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo về tình hình hoạt động của các DN trong quý 1/2023. Báo cáo cho biết các DN đều gặp khó khăn khi xuất khẩu giảm, sức mua trong nước yếu. Ví dụ, xuất khẩu dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các DN đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giản các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.
Khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền, DN không tiếp cận được vốn vay, nhiều công ty không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các DN không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với DN dệt may. Tương tự, ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có đơn vị giảm đến 50%.
Hoặc ngành xây dựng công nghiệp gặp khó khăn do thị trường giảm, lãi suất cao, đơn hàng giảm; ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm xuất khẩu khoảng 15%; ngành bất động sản đóng băng, DN thiếu hụt dòng tiền gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng, thiếu tiền trả cho nhà thầu, trả cho trái chủ, trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động…
Báo cáo của HUBA nêu rõ: Nguồn vốn rất khó, gần như DN không tiếp cận được gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5 - 2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi DN gần như cạn kiệt tài sản. Khảo sát của hiệp hội cho thấy có 41,2% số lượng DN đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 17,6% thiếu vốn kinh doanh...
Trước đó, 21 DN thuộc Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) cũng gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, tránh sự đổ vỡ dây chuyền. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch SACA, cho hay việc lãi suất ngân hàng tăng rất cao đã khiến nhiều DN bất động sản nói chung không thể tránh khỏi sự mất cân đối dòng tiền, tác động vô cùng nghiêm trọng lên cả hệ sinh thái của toàn ngành.
Theo tác động dây chuyền, các đơn vị xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng đứng trước bờ vực phá sản. Hàng chục ngàn người lao động đã bị mất việc làm và hàng trăm ngàn lao động trong ngành cũng đang đứng trước nguy cơ đó. Hiện nay hầu hết các DN xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ và vì thế kéo theo nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình, trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được.
Ngay cả các DN, trang trại chăn nuôi dù thuộc nhóm ngành được vay ưu đãi nhưng thực tế vẫn không thể tiếp cận được gói vay ưu đãi lãi suất 2% từ ngân sách theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí một số đơn vị vay vốn thương mại cũng khó khăn. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đã gửi "tâm thư" đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cầu cứu vì hiện tại hầu hết các trang trại, hộ nông dân, DN gần như không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Vì vậy nhiều lúc nhìn đàn vật nuôi đói người chăn nuôi phải chấp nhận vay nóng để mua cám, khó khăn càng chồng chất…
Dòng vốn đi đâu ?
Trong khi hàng loạt DN đều cho rằng không thể tiếp cận được vốn từ ngân hàng, câu hỏi đặt ra là dòng vốn đi đâu? Tổng cục Thống kê công bố quý 1/2023 tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%). Điều này cho thấy dòng vốn trong nền kinh tế đang ít đi.
Phân tích về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng nguồn vốn đang bị tắc ở trái phiếu lẫn bất động sản. Đặc biệt hầu hết tài sản đảm bảo để DN vay vốn đều là bất động sản và khi thị trường này đứng yên thì cả người bán hay ngân hàng cũng không thể bán được để thu tiền về. Tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế đang ở mức thấp. Một số ngân hàng cũng bị giảm lượng tiền gửi không kỳ hạn khá mạnh khi cả DN lẫn người dân cũng không có nhiều tiền. Giá trị tài sản đảm bảo rớt mạnh càng khiến ngân hàng giảm hạn mức cho vay. Từ đó khiến nguồn vốn của nhiều DN bị co hẹp lại. Hơn nữa, một số nhà băng nhỏ có thể chỉ huy động vốn mới để đảm bảo thanh khoản khi tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu thời gian qua khá nhiều nên không còn dư tiền để đẩy mạnh cho vay. Vì vậy có thể nói rằng nền kinh tế vẫn đang thiếu vốn.
TS Huân nhấn mạnh: Đây là hệ quả từ chính sách thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu từ giữa năm 2022 và đến nay mới biểu hiện rõ ràng. Tốc độ tăng trưởng (GDP) của cả nước trong quý 1/2023 cũng ở mức thấp kỷ lục (ngoại trừ những năm xảy ra dịch Covid-19) cho thấy DN gặp nhiều khó khăn. "Tắc ở đâu phải khơi thông ở đó để dòng vốn được luân chuyển nhanh hơn, hỗ trợ kinh tế phát triển. Đó là cần giải pháp hỗ trợ thanh khoản của thị trường bất động sản và khôi phục thị trường trái phiếu càng nhanh càng tốt. Nếu không có vốn thì DN ngừng hoạt động và kinh tế cả nước sẽ không thể đi lên", TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế - TS Phạm Thế Anh cho rằng về nguyên tắc các ngân hàng là kinh doanh vốn, nên bắt buộc các DN phải đáp ứng được quy định thì mới được cho vay. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, cả hai phía ngân hàng lẫn DN phải cùng nhau ngồi lại bàn bạc chi tiết để xem vướng mắc ở đâu. Những DN có kế hoạch kinh doanh tốt, khả năng phục hồi nhanh thì có thể được xem xét cho vay nhanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có quy định cho phép các nhà băng không chuyển nhóm nợ của DN đang gặp khó khăn như kiến nghị của nhiều hiệp hội. Điều này cũng giúp các công ty không bị chuyển thành nợ xấu, có thể tiếp cận được vốn NH để duy trì hoạt động.