Xét về chi phí hoàn tất đơn hàng và giao hàng chặng cuối so với doanh thu của từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của doanh nghiệp (DN), theo kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), có 46% DN cho biết chi phí này chiếm dưới 10%.
Lo nặng chi phí thời “bão giá”
Trong khi đó, có 5% DN cho rằng chi phí nêu trên chiếm tới trên 40%; 13% DN khác cho biết chiếm từ 20% đến 40%. Còn lại 37% DN tham gia khảo sát nói rằng chi phí này chiếm từ 10% đến 20%.
Cũng theo khảo sát của Vecom, 69% DN cho biết họ tự vận chuyển hàng hóa của mình từ khâu nhập và xuất hàng, 59% DN sử dụng dịch vụ vận chuyển của bên thứ ba.
Nếu xét theo quy mô DN thì tỷ lệ DN tự vận chuyển hàng hóa so với DN sử dụng dịch vụ vận chuyển của bên thứ ba giữa hai nhóm DN lớn và SME (DN vừa và nhỏ) là tương đương nhau và không chênh lệch nhiều.
Bên cạnh khảo sát nêu trên, qua thăm dò của VnBusines đối với những khách hàng mua sắm hàng hoá qua kênh TMĐT thì thấy, điều mong mỏi của họ là phía DN cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối có thể cung cấp một vài lựa chọn dựa theo mức phí vận chuyển sản phẩm và thời gian chờ đợi của họ.
Nhiều khách hàng cho biết, phương tiện vận chuyển khi giao hàng chặng cuối trong mua sắm trực tuyến vẫn chưa đa dạng, thiếu và giá thành cao. Nhất là phương tiện được dùng trong giao hàng chặng cuối của Việt Nam hiện nay chủ yếu là xe máy.
Dù biết giá xăng dầu tăng cao kỷ lục như hiện tại là cả thách thức lớn đối với các DN kinh doanh trực tuyến khi sử dụng dịch vụ giao hàng chặng cuối, tuy nhiên phía khách hàng vẫn muốn DN đưa ra một mức phí thấp hơn cho các đơn hàng ghép có thể giúp họ hài lòng hơn với dịch vụ. Mặc dù khách hàng nhận hàng chậm hơn, nhưng họ sẽ cảm thấy nhận được lợi ích từ việc giảm giá giao hàng vào thời điểm “bão giá” này.
Ở dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến bằng hình thức giao hàng chặng cuối, đa số khách hàng cho rằng đáng tin tưởng, xứng đáng với số tiền họ bỏ ra cho dịch vụ này. Tuy nhiên, khách hàng còn khá phân vân về mức độ quan tâm và sẵn lòng giải quyết những vấn đề phát sinh của bên giao hàng.
Không những vậy, ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng thay vì chỉ dùng xe máy giữa lúc giá xăng đang ở mức cao thì các DN nên sử dụng xe điện 2 bánh trong giao hàng chặng cuối. Và trong tương lai có thể dùng những phương tiện giao hàng bằng máy bay không người lái như Mỹ và Singapore đã làm.
Chờ tính bền vững với mức giá phù hợp
Những dự báo mới đây cho thấy, thị trường dịch vụ logistics nói chung và logistics chặng cuối nói riêng ở Việt Nam sẽ chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng về quy mô.
Theo đó, cùng với xu hướng người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thời gian và độ tin cậy của giao hàng, dịch vụ chuyển phát nhanh hay giao hàng nhanh sẽ chiếm ưu thế trên thị trường dịch vụ logistics chặng cuối tại Việt Nam trong thời gian tới. Thậm chí, ngay cả khi các hãng phân phối hoặc TMĐT áp dụng phụ phí giao hàng nhanh, giao hàng trong ngày cho người tiêu dùng.
Nghiên cứu của Datexcorp cho thấy, chi phí của việc giao hàng chặng cuối chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, đối với các DN kinh doanh TMĐT, việc quản lý và tối ưu quy trình giao hàng chặng cuối sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh, nhất là khi người tiêu dùng có rất nhiều nguồn thông tin để tham khảo, lựa chọn như hiện nay.
Giới chuyên gia cho rằng, giao hàng chặng cuối đã trở thành một yếu tố quan trọng với các nhà bán lẻ trong thời đại của TMĐT và Tiếp thị đa kênh (Omni-channel), khi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng ngay từ lần đầu tiên họ tiếp nhận sản phẩm.
Theo nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT, trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics, giao hàng chặng cuối nhìn chung được hiểu là bước cuối cùng giao hàng hoá đến đúng khách hàng. Giao hàng chặng cuối đã trở thành công đoạn buộc phải có với DN Việt khi mà khối lượng giao dịch TMĐT ngày càng phát triển, số lượng phương tiện giao hàng đang lưu thông cũng tăng lên để tạo cầu nối giữa chặng cuối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giao hàng chặng cuối đã trở nên không bền vững trên cả ba yếu tố bền vững, kinh tế, môi trường và xã hội, và giao hàng chặng cuối cần phải lấy tính bền vững làm trọng tâm.
Nhóm nghiên cứu RMIT lưu ý rằng, ý tưởng về tính bền vững trong giao hàng chặng cuối không mới, tuy nhiên, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang tập trung vào lợi ích kinh tế hơn là lợi thế về mặt xã hội và môi trường.
“Tính bền vững trong giao hàng chặng cuối là khả thi và không phải là chuyện hoang đường, bằng chứng cho thấy giao hàng chặng cuối đã trở nên "xanh" hơn trong đại dịch Covid-19, và khách hàng hiện đang kỳ vọng việc giao hàng sẽ thuận tiện, nhanh chóng và bền vững với mức giá phù hợp”, chuyên gia của RMIT cho biết.