Doanh nghiệp và lợi ích nhóm, nhìn từ dự án 200 căn biệt thự bán chui

27/10/2022 08:46

Thời gian qua khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh công cuộc "đốt lò" phòng chống tham nhũng, đã khiến hàng loạt quan chức và giám đốc doanh nghiệp phải vào vòng lao lý, điều đó cho thấy mối quan hệ giữa quyền lực và doanh nghiệp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, rất dễ xảy ra "những cú đi đêm" giữa quan chức và doanh nghiệp, tạo bè nhóm lợi ích, thao túng pháp luật gây bất bình trong nhân dân.

Điển hình như hàng loạt quan chức lãnh đạo cấp cao ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, khi các vị lãnh đạo đứng đầu thành phố, có thể vì nể nang, vì chưa thực hiện nghiêm minh các quy định của pháp luật, để rồi gây thiệt hại cho nhà nước, và bản thân thì rơi vào vòng lao lý cùng với lãnh đạo doanh nghiệp.

Mặc dù đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, nhưng vừa qua, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc điều hành quản lý, vẫn có dấu hiệu "ưu ái" cho những sai phạm "tày đình", khiến dư luận vô cùng bức xúc và hoài nghi có nhóm lợi ích đang đứng phía sau. Điển hình là dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden của Công ty cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là một dự án sai phạm nghiêm trọng, khi doanh nghiệp thực hiện xây dựng trái phép và "bán trộm" hơn 200 biệt thự, nhà phố trên đất nhà máy sản xuất gạch.

vuon-van-tue-3886-1666822854.jpeg
Dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (Nguồn: Internet)

 

Khi sự việc vỡ lở, dư luận bùng lên sự giận giữ bởi cách làm coi thường pháp luật của doanh nghiệp, cách quản lý để "con voi chui lọt lỗ kim" của các cơ quan chức năng địa phương, thì lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên lại có cách xử lý kiểu "dơ cao đánh khẽ" đối với đơn vị sai phạm. Cụ thể, Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, nhưng Công ty Đại Hưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đã tự ý thực hiện phá dỡ toàn bộ các hạng mục của dự án “Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel”để xây dựng 200 căn biệt thự và bán cho khách hàng, thu về hơn 244 tỷ đồng.

 

Khi Thanh tra tỉnh Hưng Yên vào cuộc kiểm tra, đã ra kết luận nêu rõ trách nhiệm của các sở ngành để xảy ra sai phạm, tồn tại tại dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Cụ thể, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị. Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định. UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Sau đó UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với Công ty Đại Hưng - Chủ đầu tư dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden với số tiền là 290 triệu đồng. Trong đó, phạt 40 triệu đồng do tổ chức thi công hạng mục Nhà câu lạc bộ không có giấy phép xây dựng và phạt 250 triệu đồng do tổ chức kinh doanh bất động sản (đã ký hợp đồng mua bán nhà chia lô với khách hàng) mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định.

Điều đáng nói, tại quyết định này, tỉnh Hưng Yên lại không đưa ra yêu cầu khắc phục hậu quả hoặc giới hạn thời gian khắc phục hậu quả đối với những hành vi vi phạm của Công ty Đại Hưng, đây chính là vấn đề cốt lõi, khiến dư luận bất và cho rằng tỉnh Hưng Yên đang "bao che" cho sai phạm. Và cho đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên mới có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn quy trình thực hiện điều chỉnh mục tiêu dự án sang nhà ở để hợp thức hóa cho sai phạm của dự án Vạn Tuế - Sago Palm Garden.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc chỉ ra những quy định của Luật Nhà ở và yêu cầu tỉnh Hưng Yên phải đối chiếu các quy định của luật hiện hành, nếu không thì "lộ trình" đi qua lỗ cây kim của con voi khổng lồ mang tên 200 căn biệt thự xây chui này rất có thể đã về tới đích. Được biết, Văn Giang từng là điểm nóng về tranh chấp khiếu kiện liên quan đất đai, diễn ra từ hàng chục năm nay vẫn chưa dứt, những người lãnh nhiệm vụ "cầm cân nảy mực" cần thiết phải thực hiện công vụ một cách nghiêm minh thì người dân mới tâm phục khẩu phục, nếu nghiêng về phía lợi ích sẽ xâm hại đến lợi ích quốc gia, gây tổn hại đến kỷ cương phép nước.

Dư luận mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cần nghiêm túc vào cuộc, kiểm tra xử lý khách quan nghiêm minh, rà soát kết luận của Thanh tra tỉnh Hưng Yên liên quan đến công trình sai phạm này, vì sao lại không yêu cầu chủ đầu tư khắc phục sai phạm, và xem xét xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan sai phạm, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp và lợi ích nhóm, nhìn từ dự án 200 căn biệt thự bán chui" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).