Doanh nghiệp vay tiền lãnh đạo trả nợ trái phiếu

05/09/2022 15:03

Do phương án phát hành cổ phiếu để đáo hạn trái phiếu chưa được UBCKNN phê duyệt, Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã thông quan phương án vay 4 thành viên HĐQT 92 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu.

Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc vay vốn của 4 thành viên HĐQT với số tiền là hơn 92 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu đã phát hành năm 2020. Thời hạn vay là 12 tháng với mức lãi suất bằng lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng BIDV.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên cho vay 35,62 tỷ đồng, thành viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thuỷ cho vay 35 tỷ đồng, Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Tân cho vay 11,4 tỷ đồng và thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Đôn cho vay 10 tỷ đồng.

Theo giải trình của công ty, do hồ sơ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của công ty chưa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phê duyệt, trong khi ngày 01/09/2022 là ngày đáo hạn trái phiếu đã phát hành năm 2022. Do đó, công ty cần huy động nguồn vốn hợp pháp khác để trả nợ cho các trái chủ khi đến hạn.

Dù phải vay tiền của ban lãnh đạo để trả nợ trái phiếu, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh quý II (kết thúc vào ngày 30/6) của công ty ghi nhận khoản tiền gửi ngân hàng gần 118 tỷ đồng. 

Về kế hoạch huy động vốn, trước đó, Công ty Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 25,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động được dự kiến 518 tỷ đồng sẽ được bệnh viện sử dụng để Đầu tư xây mới Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên (342 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và trả nợ gốc trái phiếu đến hạn (176 tỷ đồng).

Thời gian thực hiện sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và UBCKNN chấp thuận chào bán, dự kiến từ quý II - IV/2022 hoặc quý I/2023. Nếu thực hiện thành công các phương án phát hành trên, vốn điều lệ của TNH dự kiến sẽ tăng từ 519 tỷ đồng lên 907 tỷ đồng.

Công ty hiện đang vận hành Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên với quy mô khoảng 550 giường bệnh. Cuối năm ngoái, công ty công bố đầu tư xây dựng hai bệnh viện mới: Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư là 165 tỷ đồng và Bệnh viện Phụ Sản TNH Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 330 tỷ đồng.

Trong quý II/2022, Công ty Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần đạt 118,5 tỷ đồng, tăng 8,79% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 38,2 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cùng kỳ. 

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 207,5 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 54,35 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp vay tiền lãnh đạo trả nợ trái phiếu" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).