Pearl City phát hành lô trái phiếu 100 tỷ đồng với lãi suất 12%/năm
Cụ thể, ngày 13/12/2022, CTCP Đầu tư Pearl City vừa công bố Báo cáo tài chính năm 2021 với lợi nhuận ghi nhận 7,35 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước (lãi 14,6 tỷ đồng).
Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng từ 124,6 tỷ đồng lên 131,2 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, trong năm 2021, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,34 lần lên 3,74 lần và hệ số nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0 lần lên 0,762 lần.
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Pearl City đã phát hành một lô trái phiếu mã PCICH2124001, mệnh giá 100 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 24/11/2021, đáo hạn ngày 24/11/2024 và lãi suất lên tới 12%/năm.
Điểm đáng lưu ý, lô trái phiếu mã PCICH2124001 là trái phiếu không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán và không xếp hạng tín nhiệm để hợp tác đầu tư cùng Năm Bảy Bảy làm dự án De Lagi.
Được biết, CTCP Đầu tư Pearl City thành lập ngày 21/5/2019, địa chỉ tại số 364 Võ Nguyên Giáp, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi với đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Bích Biên.
Theo giấy phép kinh doanh, CTCP Đầu tư Pearl City hoạt động chính là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác. Tuy nhiên, Công ty cũng có thêm ngành nghề là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Trên website của CTCP Đầu tư Pearl City, đơn vị này cho biết vốn điều lệ 100 tỷ đồng, với 12 dự án trải dài khắp cả nước, đội ngũ nhân viên hơn 200 người. Được biết, khi thành lập năm 2019, vốn điều lệ chỉ 200 triệu đồng. Như vậy, mới hơn 3 năm từ khi thành lập, CTCP Đầu tư Pearl City đã tăng vốn thần tốc gấp 500 lần thời điểm thành lập.
Trong đó, CTCP Đầu tư Pearl City cho biết hiện đang là đơn vị phân phối chính thức dự án Khu dân cư Sơn Tịnh nằm tại mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi với quy mô 102 ha, chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB – sàn HoSE).
Theo giới thiệu, dự án Khu dân cư Sơn Tịnh sẽ cung cấp ra thị trường 1.972 căn nhà liên kết và 413 căn biệt thự.
Hai trên 3 dự án ở tỉnh của Năm Bảy Bảy đều liên quan tới Pearl City
Ngoài dự án ở TP. HCM, Năm Bảy Bảy được giới thiệu đang triển khai 3 dự án ở tỉnh bao gồm dự án De Lagi (Bình Thuận) với quy mô 124,53 ha, tổng vốn đầu tư là 2.344 tỷ đồng, triển khai từ 2017 đến 2023; dự án Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) với quy mô 102,7 ha, vốn đầu tư 1.196 tỷ đồng và triển khai từ 2013 đến 2022; và dự án Đồi Thuỷ Sản (Quảng Ninh) với quy mô 32,18 ha, tổng vốn đầu tư 469 tỷ đồng, đã bàn giao 100% dự án.
Như vậy, hiện tại ở các tỉnh, Năm Bảy Bảy đang triển khai 2 dự án, cả hai dự án nói trên đều có bóng dáng của CTCP Đầu tư Pearl City.
Việc CTCP Đầu tư Pearl City mới thành lập nhưng lại có thể phát hành lô trái phiếu 100 tỷ đồng không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán và không xếp hạng tín nhiệm để hợp tác đầu tư cùng Năm Bảy Bảy phát triển dự án De Lagi, điều này đặt ra nhiều mối liên hệ và có thể đây là một tổ chức sân sau, thành lập với mục đích đặc biệt hỗ trợ Năm Bảy Bảy triển khai các dự án ở tỉnh.
Với việc là một Công ty chưa niêm yết, việc công bố thông tin, cũng như lợi ích từ phát triển hai dự án De Lagi và Sơn Tịnh sẽ khó theo dõi cho nhà đầu tư bên ngoài hơn là Năm Bảy Bảy, một doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn và phải công bố tình hình tài chính theo quý, tháng năm và đặc biệt phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên hàng năm.
Tính tới 30/9/2022, trong tổng tồn kho 1.272,2 tỷ đồng, Năm Bảy Bảy đang ghi nhận 644,2 tỷ đồng đầu tư vào dự án De Lagi; 430,6 tỷ đồng vào dự án Sơn Tịnh và các dự án khác. Như vậy, hai dự án nói trên đang là dự án trọng điểm mà Năm Bảy Bảy đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai sắp tới.
9 tháng đầu năm lợi nhuận Năm Bảy Bảy giảm 99,4% và dòng tiền âm kỷ lục 862,9 tỷ đồng
Trong quý III/2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 121,01 tỷ đồng, tăng 20,65 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 0,3 tỷ đồng, giảm 99,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận 68,51 tỷ đồng, tương ứng tăng 69,95 tỷ đồng so với cùng kỳ (cùng kỳ âm 1,44 tỷ đồng); doanh thu tài chính giảm 85,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 231,62 tỷ đồng về 39,1 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 150,5%, tương ứng tăng thêm 51,74 tỷ đồng lên 86,11 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 79,1%, tương ứng giảm 18,19 tỷ đồng về 4,8 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 13,87 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,14 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 22,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 58,8 tỷ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lỗi ghi nhận lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ vào việc ghi doanh thu tài chính là 39,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cho biết nguyên nhân doanh thu tài chính giảm chủ yếu do không ghi nhận thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư so với cùng kỳ ghi nhận 250 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 290,17 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2,09 tỷ đồng, giảm 99,4% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Công ty dự kiến tổng doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty mới hoàn thành được 2% kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách rất xa kế hoạch.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 862,9 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 625,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 1.083,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.934 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Được biết, từ năm 2007 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của Năm Bảy Bảy ghi nhận âm vượt số tiền 862,9 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2010, Công ty ghi nhận dòng tiền âm 351,62 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021, Công ty đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 103,18 tỷ đồng. Như vậy, nếu quý IV không có gì thay đổi, Công ty sẽ ghi nhận dòng tiền âm 2 năm liên tiếp.