Nhiều hộ gia đình xã viên đội 9 xã Kim Chung, huyện Đông Anh rất bất ngờ vì sau nhiều năm trao đất làm dự án Trường THPT Bắc Thăng Long, họ mới biết mình bị thiệt thòi quyền lợi do không ai thông báo.
Để xây dựng Trường THPT Bắc Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 1853/QĐ-UBND ngày 18/5/2008 về việc thu hồi 31.868m2 đất tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh; Giao cho UBND huyện Đông Anh thực hiện dự án Trường THPT Bắc Thăng Long.
Căn cứ Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 21/4/2008 của UBND huyện Đông Anh về việc thành lập hội đồng BTHTr-GPMB 31.858m2 đất tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Qua đó, tổ chức điều tra lập phương án BTGTr-GPMB thực hiện dự án: Đầu tư xây dựng Trường THPT Bắc Thăng Long và trải qua nhiều chính sách, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 của Chính phủ, “các hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bồi thường đất ở hoặc nhà tái định cư”.
Trong số các hộ dân bị thu hồi đất tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, Thành phố Hà Nội thì có 23 hộ gia đình xã viên đội 9 có quyết định thu hồi đất vào sau thời điểm Nghị định 84 của Chính phủ có hiệu lực thi hành trong thực tế mà số diện tích bị thu hồi lớn hơn 30% diện tích thì nghiễm nhiên họ phải được cấp một xuất đất dịch vụ là 80m2 theo quy định của thành phố Hà Nội.
Theo đó, các hộ bà Phan Thị Xây, bà Nguyễn Thị Bình, bà Phan Thị Gức, ông Trần Văn Toàn và 19 gia đình xã viên khác của đội 9, thôn Hậu Dưỡng là những hộ đã bị thu hồi đất từ năm 2008 để xây dựng Trường THPT Bắc Thăng Long và đủ điều kiện được nhận 80m2 đất dịch vụ theo quy định. Các hộ dân này không hề hay biết gì về việc này, mãi cho đến năm 2017 khi có thông tin một số gia đình tại đội 10, thôn Hậu Dưỡng nhận đền bù đất dịch vụ thì họ mới biết được rằng, mình bị thiệt thòi quyền lợi trong nhiều năm qua.
"Chúng tôi là những người nông dân chân lấm, tay bùn, không hiểu hết về pháp luật, lẽ ra cán bộ của Ban Bồi thường GPMB phải giải thích và thông báo cho chúng tôi biết về quyền lợi của mình nhưng đằng này không thấy ai nói gì nên chúng tôi không hề hay biết", một người dân bức xúc.
Theo tìm hiểu, tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án trên, cả 23 hộ dân đều chưa có kết quả rà soát điều kiện để lập danh sách xét giao đất ở, dịch vụ theo quy định của UBND xã Kim Chung tại thời điểm phê duyệt phương án giai đoạn 2008-2009 thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ không phê duyệt nội dung giao đất và không có thông báo ghi nhận nợ chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho 23 hộ dân mất đất của huyện Đông Anh, cũng như chưa có ý kiến chấp thuận UBND Thành phố Hà Nội tại Văn bản số 6027/UBND-TNMT ngày 03/08/2010 và Thông báo số 49/TB-UBND ngày 15/03/2012.
Luật sư Hoàng Hữu Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Sơn Hoàng và cộng sự cho biết: “Theo Điều 40 tại Quyết định 18/2008 của UBND Thành phố Hà Nội: Trường hợp khi thu hồi đất nông nghiệp mà chủ đầu tư chưa bố trí được quỹ nhà ở, đất ở thì UBND cấp huyện ghi nhận diện tích đất ở và nhà ở căn hộ sẽ giao bán cho các hộ gia đình, cá nhân. Thời gian giao đất hoặc bán nhà ở căn hộ cho các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là 03 năm kể từ khi các hộ gia đình, cá nhân bàn giao diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Đến tận Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 15/08/2019 và 128/BC-UBND ngày 09/09/2020 của UBND xã Kim Chung, Báo cáo số 225/BC-TTQĐ ngày 08/09/2020 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, UBND huyện Đông Anh mới có kết quả rà soát giải quyết chế độ chính sách. Vậy là quá hạn 9 năm so với quy định, UBND huyện Đông Anh mới có kết quả rà soát giải quyết chế độ chính sách. Việc chậm trễ trong rà soát giải quyết chế độ chính sách này đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân xã viên đội 9, thôn Hậu Dưỡng”.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một xã viên trong 23 hộ gia đình bức xúc: “Sự chậm trễ trong rà soát điều kiện để lập danh sách xét giao đất ở, dịch vụ là lỗi từ phía UBND huyện Đông Anh hay là lỗi của chúng tôi? Thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án từ năm 2009 mà đến năm 2020 mới có báo cáo rà soát thì có đảm bảo minh bạch, khách quan cho người dân hay không?”.
Cũng từ sự đấu tranh của các hộ dân khi biết mình bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng mà ngày 19/7/2017, UBND xã Kim Chung có Thông báo số 119/TB-UBND về việc trả lời nội dung đơn kiến nghị của các hộ dân đội 9, thôn Hậu Dưỡng. Theo đó, UBND xã Kim Chung đối chiếu với Quyết định 4511/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của UBND huyện Đông Anh về việc ban hành Quy chế xét giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện hưởng chính sách chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 06/09/2008 và Khoản 2 Điều 40 Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/09/2008 của UBND Thành phố Hà Nội thì các hộ dân trên đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 5 lần tiền khung giá đất nên không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ bằng hình thức giao đất ở, đất dịch vụ.
“Chúng tôi không được tham gia ý kiến về việc nhận 5 lần giá đất nông nghiệp thì không được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm hay nhận 3,5 lần giá đất nông nghiệp và vẫn được nhận chế hộ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. UBND huyện Đông Anh đã tự ý lập phương án và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ nhận 5 lần giá đất nông nghiệp mà không thông qua lấy ý kiến của nhân dân”. Các hộ dân cho rằng, việc làm thiếu minh bạch này của UBND huyện Đông Anh và chủ đầu tư dự án đã gây mất dân chủ, công bằng xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Qua đó, người dân đặt câu hỏi có hay không việc thiếu minh bạch trong lập và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ của UBND huyện Đông Anh, khiến 23 hộ gia đình xã viên đội 9, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung không được hưởng quyền lợi chính đáng? Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, các cấp chính quyền vào cuộc, kiểm tra sớm trả lời rõ ràng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.