Động cơ gì khiến Sacombank cho vay khi doanh nghiệp không có khả năng đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết?

15/03/2022 13:20

Dự án nằm 'bất động', mới chỉ thực hiện ép cọc trên đất nhưng không hiểu vì sao vẫn lọt qua được 'một rừng' quy trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ và cuối cùng được Sacombank Bình Thạnh 'nhắm mắt' cho vay tới 230 tỷ đồng.

Sacombank Bình Thạnh cho Công ty Ngọc Tâm vay vốn theo phương án góp vốn đầu tư dự án trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Ngọc Tâm không đăng ký hoạt động góp vốn đầu tư dự án

Như Công lý & Xã hội đã thông tin trong bài viết: “TPHCM: Xin giao đất làm bệnh viện rồi nằm “bất động”, phản ánh việc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đặng Trần sau đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (Công ty Việt Tín) được UBND TPHCM giao đất và sau đó được Sở Tài nguyên & Môi trường cấp GCN QSDĐ diện tích 29.070m2 đất thuộc thửa 151, 172 tờ bản đồ số 18, 20 tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức - PV), để thực hiện triển khai xây dựng bệnh viện.

Sau khi Bộ Y tế có văn bản đồng ý đề án thành lập Bệnh viện đa khoa tư nhân Ngọc Tâm, Bộ Xây dựng có công văn thẩm định thiết kế cơ sở Bệnh viện đa khoa tư nhân Ngọc Tâm, trên cơ sở tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 03/2/2009, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm với quy mô 500 giường bệnh, dự án hoạt động chính thức từ tháng 10/2010.

Ngày 10/3/2009, Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm) ký hợp đồng thi công xây dựng với Công ty CP Bê tông 620 Châu Thới để thi công hạng mục sản xuất, cung cấp và thi công ép cọc bê tông ứng suất trước 400x400 đại trà theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công được duyệt. Sau khi ép cọc xong, công ty đã tạm dừng dự án, không thực hiện thêm bất kỳ hạng mục nào khác. Ngày 23/4/2009, Công ty Việt Tín lập hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm, giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn được tính theo hợp đồng là 105 tỷ đồng, thời hạn góp vốn 47 năm, đã được Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường về đăng ký nhà đất cập nhật biến động trên GCN QSDĐ.

Đến ngày 03/7/2012, Công ty Việt Tín lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bệnh viện cho Công ty Ngọc Tâm với giá chuyển nhượng 0 đồng. Ngày 27/12/2012, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần 1) với chủ đầu tư là Công ty Ngọc Tâm (thay chủ đầu tư do chuyển nhượng dự án). Ngày 19/2/2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM cập nhật biến động xóa đăng ký góp vốn ngày 21/5/2009 trên GCN QSDĐ.

Đến ngày 29/3/2013, Công ty Việt Tín lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên cho Công ty Ngọc Tâm với số tiền 65 tỷ đồng và đã được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM cập nhật biến động trên GCN QSDĐ vào ngày 07/5/2013.

Ngày 10/4/2014, Công ty Ngọc Tâm thế chấp GCN QSDĐ cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Chi nhánh Bình Thạnh (Sacombank Bình Thạnh) với số tiền 150 tỷ đồng. Ngày 01/11/2014, Công ty Ngọc Tâm thế chế quyền sử dụng đất nói trên cho Sacombank Bình Thạnh với số tiền 55 tỷ đồng. Đến ngày 09/5/2016, Công ty Ngọc Tâm tiếp tục thế chấp quyền sử dụng đất cho Sacombank Bình Thạnh với số tiền 68 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi được cấp GCN QSDĐ, Công ty Đặng Trần đã đổi tên thành Công ty Việt Tín. Quá trình triển khai dự án, Công ty Việt Tín đã góp vốn và sau đó chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Ngọc Tâm. Trong thời gian góp vốn, Công ty Ngọc Tâm đã thực hiện ép cọc tại khu đất, ngoài ra không triển khai thêm hạng mục nào và thế chấp quyền sử dụng đất cho Sacombank Bình Thạnh để vay 223 tỷ đồng. Một dự án nằm “trên giấy”, chỉ mới thực hiện ép cọc tại sao lại được Sacombank Bình Thạnh dễ dàng cho vay như vậy, phải chăng có “vấn đề” gì xoay quanh việc này?

Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM đã vào cuộc làm rõ quá trình nhận thế chấp và cho vay của Sacombank Bình Thạnh, qua đó chỉ ra một số vi phạm đó là: Chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn khi đánh giá, tính toán nguồn trả nợ và hoàn trả vốn góp cho cả 3 lần thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không; Sacombank Bình Thạnh đã không thu thập báo cáo tài chính, thẩm định hình hình tài chính mà chỉ căn cứ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi tức để xem xét và quyết định cho vay khi Công ty Ngọc Tâm không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết là không đúng với quy định tại khoản 3, Điều 7 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM cũng chỉ ra vấn đề tại thời điểm Sacombank Bình Thạnh thẩm định cho Công ty Ngọc Tâm vay vốn theo phương án góp vốn đầu tư dự án trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Ngọc Tâm không đăng ký hoạt động góp vốn đầu tư dự án; Thẩm định nguồn trả nợ căn cứ lợi tức và hoàn trả vốn góp được thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác nhưng việc đánh giá chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn và chưa căn cứ vào hiệu quả hoạt động cụ thể của phương án hợp tác là chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM khẳng định Sacombank Bình Thạnh có kiểm tra, giám sát vốn vay định kỳ đối với các khoản vay của Công ty Ngọc Tâm nhưng việc kiểm tra chỉ nhằm hợp thức công tác kiểm tra là chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4, Điều 94 Luật các Tổ chức Tín dụng ngày 16/6/2010.

Với hàng loạt những sai phạm như trên, những cán bộ, nhân sự có liên quan của Sacombank Bình Thạnh phải chịu trách nhiệm như nào? Có hay không việc “đi đêm” để cho doanh nghiệp vay? Khu đất và số tiền vay sẽ giải quyết ra sao?

Công lý & Xã hội tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết "Động cơ gì khiến Sacombank cho vay khi doanh nghiệp không có khả năng đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết?" tại chuyên mục Ngân Hàng. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).