Công ty cổ phần Khai thác Xây dựng Vận tải Phương Nam (gọi tắt Công ty Phương Nam) vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận chủ trương và đầu tư dự án nhà ở xã hội Mỹ Phú, phường Mỹ Phú, TP. Cao Lãnh.
Dự án này có vốn đầu tư lên tới gần 530 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án là gần 265 tỷ đồng, tương ứng 50% tổng vốn đầu tư. Còn lại là vốn huy động, vay từ các tổ chức tín dụng.
Dự án nhà ở xã hội Mỹ Phú, phường Mỹ Phú, TP. Cao Lãnh có diện tích mặt đất sử dụng là 11.630 m2. (Ảnh minh họa).
Ai hậu thuẫn Công ty Phương Nam?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Phương Nam được thành lập tháng 5/2011, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Đến nay, doanh nghiệp có vốn điều lệ 490 tỷ đồng.
Thông tin trên VietnamFinace, cổ đông lớn nhất và cũng là Chủ tịch, Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật là của Công ty Phương Nam là ông Hoàng Quốc Tiệp (sinh năm 1975).
Mới đây, doanh nhân Hoàng Quốc Tiệp đã lấn sân sang mảng kinh doanh sản phẩm nhựa với pháp nhân mới là Công ty cổ phần Nhựa Việt Tiệp, thành lập ngày 21/1/2021 với vốn điều lệ 19 tỷ đồng. Ngoài ông Tiệp, cổ đông sáng lập của Nhựa Việt Tiệp còn có ông Đặng Văn Thế (SN 1985), Trịnh Xuân Dũng (SN 1979) và Nguyễn Văn Học (SN 1981). Trong đó, ông Tiệp là chủ tịch HĐQT và cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 40% vốn; theo sau là ông Thế với 30%, ông Học với 20% và còn lại 10% thuộc về ông Dũng.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Thế cũng mới thành lập Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Nhựa Bình Dương vào tháng 10 vừa qua. Còn ông Trịnh Xuân Dũng là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Trung Nam; ông Nguyễn Văn Học là lãnh đạo của Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Mộc Gia Land, Công ty TNHH Mộc Châu và Công ty cổ phần Năng lượng Somosolar.
Công ty Phương Nam làm ăn sao?
Trước khi rót vốn dự án nhà ở xã hội Mỹ Phú, Công ty Phương Nam được biết tới là chủ đầu tư của dự án Phương Nam River Park, dự án có tổng diện tích trên 4ha, tọa lạc tại tỉnh Bến Tre.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 - 2020, Công ty Phương Nam sa sút rõ rệt. Theo thông tin trên VietnamFinance, trong 5 năm vừa qua, doanh thu của Công ty Phương Nam lần lượt ghi nhận là 109,3 tỷ đồng, 127,4 tỷ đồng, 127,8 tỷ đồng, 94,3 tỷ đồng và 110,7 tỷ đồng. Nguồn thu khá ổn định với mức bình quân là 113 tỷ đồng cho mỗi năm.
Dự án Phương Nam River Park.
Tuy nhiên, biên lãi gộp của doanh nghiệp lại vô cùng thấp, do chi phí giá vốn luôn neo ở mức trên 97%, bởi vậy lợi nhuận gộp cao nhất chỉ đạt gần 3 tỷ đồng, còn thấp nhất là 752 triệu đồng. Cá biệt năm 2020, Công ty Phương Nam còn kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp trên 4 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí vận hành và thuế, doanh nghiệp liên tục chịu lỗ suốt 3 năm 2016 - 2018 với mức lỗ lần lượt là 90,5 triệu đồng, 1,6 tỷ đồng và 764 triệu đồng. Lợi nhuận dương duy nhất 1 lần vào năm 2019, nhưng không đáng kể, 126 triệu đồng. Năm 2020, Công ty lại trở về quỹ đạo thua lỗ với 5,8 tỷ đồng, mức lỗ nặng nề nhất trong giai đoạn 5 năm gần đây.
Dòng tiền kinh doanh cũng rất bi đát khi liên tiếp âm trong suốt 4 năm ròng (2016 - 2019), có năm lên tới âm 34,5 tỷ đồng (năm 2018). Năm 2020, mặc dù lỗ lịch sử, song dòng tiền kinh doanh của Công ty Phương Nam lại được đảo chiều dương trên 2 tỷ đồng.
Thua lỗ triền miền, dòng tiền âm trong thời gian dài, thế nhưng Công ty Phương Nam lại là doanh nghiệp không có gì ngoài... tiền mặt và luôn dự trữ một lượng tiền và tương đương tiền rất lớn, chiếm khoảng 60 - 70% tài sản.
Tính riêng năm 2020, lượng tiền "nhàn rỗi" của doanh nghiệp lên đến 437,7 tỷ đồng, xấp xỉ 77% tài sản (569,5 tỷ đồng), tăng 70% so với năm 2019.