Dòng tiền chảy vào mạnh, chứng khoán đến thời khởi sắc

17/07/2023 15:41

Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay là cơ hội để nhà đầu tư chứng khoán "lướt sóng" sai mà vẫn có thể sửa. Lời khuyên của chuyên gia là dòng vốn ngắn hạn nên phân bổ vào những nhóm ngành chưa tăng nhiều trong thời gian qua.

vni-1689576820.jpg
Mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp hơn so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Cứ mua là có lãi? 

Nhìn vào biểu đồ kỹ thuật có thể thấy rõ thị trường chứng khoán đang trong một xu hướng tăng kéo dài. Tính từ đáy hồi giữa tháng 11.2022 đến nay, chỉ số đại diện đã tăng 295 điểm, còn so với đầu năm nay đã cải thiện 157 điểm. Song song với điểm số, dòng tiền cũng được thúc đẩy bởi sự kỳ vọng và nền lãi suất giảm. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu thị trường chứng khoán đã đến lúc cứ mua là lãi giống như năm 2021?

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tại Chứng khoán BSC - cho rằng, quan điểm này nửa đúng nửa sai. Ông nói: "Theo chúng tôi tính toán, chu kỳ tăng hiện tại của chứng khoán có thể kéo dài đến cuối năm 2024, đầu năm 2025. Vậy nên trong dài hạn là tích cực, còn ngắn hạn nhà đầu tư lướt sóng sai thì vẫn có thể sửa vì dòng tiền đang có dấu hiệu hưng phấn".

Theo chuyên gia, những nhà đầu tư đứng ngoài trong suốt thời gian qua có vẻ đã sốt ruột và quay trở lại thị trường trong tuần vừa rồi. Do đó khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh quanh vùng điểm số hiện tại và rơi vào tuần này.

Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng tại Chứng khoán MBS - nhận thấy định giá thị trường không còn quá rẻ khi nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh. “Bản chất của thị trường chứng khoán là hưng phấn quá đà, bi quan cũng thái quá” - ông lý giải.

Cơ hội cho những nhà đầu tư chậm chân 

Mặc dù VN-Index đã tăng mạnh từ đáy, song ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư, Nhà điều hành quỹ VEOF VinaCapital - tin rằng, vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư đang đứng ngoài quan sát tham gia. Hai yếu tố cơ bản nhất để đưa ra quyết định nằm ở định giá và tăng trưởng.

Cụ thể về mặt định giá, P/E của VN-Index vẫn đang nằm trong vùng giá thấp nhất của trung bình 10 năm qua. Nếu so sánh mặt bằng định giá của chứng khoán Việt Nam với các thị trường khác trong khu vực ASEAN, định giá VN-Index đang rẻ hơn mức trung bình khoảng 15%.

Mặc dù mức tăng trưởng năm 2023 có thể thấp, song dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024 với mức trung bình khoảng 20%. Đây sẽ là động lực quan trọng cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2024.

Còn theo ông Bùi Nguyên Khoa, nhà đầu tư có thể phân bổ một phần vốn vào những vào những nhóm ngành chưa tăng để chờ dòng tiền luân chuyển. Hoặc thận trọng hơn thì chờ thị trường điều chỉnh sau nhịp tăng này rồi mới tham gia.

"Vừa qua chúng ta đã thấy dòng tiền luân chuyển hầu hết vào các nhóm ngành. Nhưng xét rõ thì thuỷ sản cũng vừa mới chạy, nhóm khu công nghiệp và tiện tích có thể có dòng tiền quay vòng chảy vào trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên quét hết thị trường, nhóm nào chưa tăng thì dồn tiền vào đó sẽ có khả năng lướt sóng trong ngắn hạn. Bởi trong tuần qua những bluechip đã bắt đầu tăng sau khi nhà đầu tư nhỏ lẻ đẩy cổ phiếu vừa và nhỏ suốt cả tháng vừa rồi" - ông Khoa phân tích.

Vị chuyên gia từ BSC nhấn mạnh hiện tại yếu tố dòng tiền và kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần cân nhắc xu hướng hiện tại có vượt quá sự cải thiện vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp trong những quý tới hay không. Đây sẽ là vấn đề mà thị trường quan tâm nhiều hơn và quyết định nhịp điều chỉnh sắp tới trước khi lập đỉnh mới.

Ngoài ra, khi kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết được công bố sẽ làm nguội bớt tâm lý kỳ vọng. Do đó nhà đầu tư cần nhặt ra những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay bởi thị trường sẽ dần phân hoá chứ không còn tăng ồ ạt như hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng tiền chảy vào mạnh, chứng khoán đến thời khởi sắc" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).