Dự án ôm đất chậm triển khai ở Hà Nội: Lộ các chủ đầu tư không đủ tiền

04/12/2022 21:31

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố nêu, có trường hợp không có khả năng nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định; kinh nghiệm triển khai của một số chủ đầu tư còn hạn chế, lúng túng, không hoàn thiện thủ tục, thực hiện dự án; có trường hợp không đủ khả năng để thực hiện dự án đầu tư...

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi HĐND thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.

Theo UBND thành phố, với 135 dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, sau Nghị quyết 04, có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố; 59 dự án chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 3 dự án TAND, cơ quan điều tra, thanh tra đang thụ lý, xử lý theo quy định; 31 dự án Sở KHĐT kiến nghị tiếp tục triển khai, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ; 19 dự án Sở KHĐT tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ làm cơ sở xem xét chấm dứt dự án.

Một dự án quây tôn, chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: PV

Một dự án quây tôn, chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: PV

Với 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sau Nghị quyết 04, 109 dự án với tổng diện tích 326 ha đất, sau thanh tra, kiểm tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 44 dự án với tổng diện tích 2.607 ha đất, kiến nghị trình HĐND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án.

85 dự án với tổng diện tích 132 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng, tổng số tiền khoảng 498 tỷ đồng.

152 dự án với tổng diện tích 3.476,93 ha đất, tiếp tục đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án tại từng kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; 14 dự án với tổng diện tích 296,4 ha đất dừng thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm do trùng các đoàn thanh tra, kiểm tra khác.

Về kết quả phân loại, phân công xử lý đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, UBND thành phố cho biết, liên ngành thành phố tiếp tục phân loại thành 7 nhóm và UBND thành phố đã phân công các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện thị xã tập trung xử lý theo quy định.

Cụ thể, 53 dự án đã có quyết định chủ tưởng đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất.

120 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai. Trong đó 15 dự án chưa giải phóng mặt bằng; 50 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa xây dựng; 25 dự án đã giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng công trình; 19 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; 4 dự án chậm triển khai do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; 7 dự án khác sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, cho mượn đất, chậm hoàn thành các thủ tục đất đai.

Báo cáo của thành phố chỉ ra, một số chủ đầu tư không liên hệ với chính quyền địa phương trong thời gian dài để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhưng chính quyền địa phương không kịp thời xử lý, báo cáo và đề xuất các biện pháp xử lý dẫn tới tình trạng để đất hoang hóa làm mất mỹ quan đô thị, lãng phí đất đai.

Cùng với đó, một số chủ đầu tư cố ý chây ì không làm thủ tục, chậm phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng, để chưa phải nộp nghĩa vụ tài chính; chậm bàn giao diện tích đất phải bàn giao theo quy định cho chính quyền địa phương sử dụng vào mục đích công cộng để xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án đầu tư để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ.

Một số dự án lợi dụng chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo và chưa thống nhất; do nhu cầu của thị trường bất động sản; hoặc khi sắp hết thời hạn thực hiện dự án thì đề nghị xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, điều chỉnh tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc được phê duyệt, điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư nhằm kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án.

“Có trường hợp đối tượng không có khả năng nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định. Số tiền nộp phạt chậm nộp còn cao hơn tiền nộp nghĩa vụ tài chính. Cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì không thực hiện”, báo cáo của UBND thành phố nêu.

Thành phố cũng chỉ rõ, kinh nghiệm triển khai của một số chủ đầu tư còn hạn chế, lúng túng, không hoàn thiện thủ tục, thực hiện dự án; có trường hợp không đủ khả năng để thực hiện dự án đầu tư. Khi cơ quan thanh tra vào kiểm tra, giải thích thì chủ đầu tư nhận thấy không có khả năng thực hiện và chủ động có văn bản xin trả lại đất.

Bạn đang đọc bài viết "Dự án ôm đất chậm triển khai ở Hà Nội: Lộ các chủ đầu tư không đủ tiền" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).