Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 5/5 nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Có nhiều ý kiến cho rằng với tốc độ lạm phát ở Anh đang cao nhất 3 thập kỷ, lẽ ra BOE phải tăng lãi suất với một bước nhảy rộng hơn.
Thống đốc BOE Andrew Bailey đã lên tiếng bảo vệ động thái tăng lãi suất thận trọng này, nói rằng các nhà hoạch định chính sách phải nhìn vào bức tranh lớn hơn, cho dù đúng là lạm phát đang gây ra một cú sốc trong nền kinh tế Anh.
Trong lần điều chỉnh này, lãi suất cơ bản của đồng Bảng Anh được BOE nâng 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1%. Đây là lần nâng lãi suất thứ tư liên tiếp của BOE kể từ tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh hàng triệu hộ gia đình ở xứ sương mù đang đương đầu với chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt. Trong số 9 thành viên của Uỷ ban Chính sách tiền tệ thuộc BOE, có 6 vị nhất trí bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm và 3 vị còn lại muốn nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.
Những người muốn lãi suất tăng mạnh hơn dựa vào dự báo của BOE cho rằng lạm phát ở Anh sẽ lên tới 10% trong năm nay để đưa ra sự chỉ trích nhằm vào ngân hàng trung ương này. Họ cho rằng lãi suất cần phải được nâng quyết liệt hơn mới có thể kéo được lạm phát xuống.
Trước đó một ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm để chống lại mức lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm tại Mỹ.
Cũng giống như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, BOE và Fed đang gánh vác trọng trách chèo lái nền kinh tế vượt qua “con sóng dữ” mang tên lạm phát. Sự leo thang của giá cả - vốn hình thành từ những nút thắt trong chuỗi cung ứng trong thời gian đại dịch Covid-19 căng thẳng và sự bùng nổ của nhu cầu khi các nền kinh tế mở cửa trở lại - càng thêm phần trầm trọng kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine.
Lạm phát ở Anh trong tháng 3 là 7%, mức cao nhất 30 năm, cao gấp hơn 3 lần so với mục tiêu của BOE. Trong khi đó, niêm tin của người tiêu dùng Anh giảm xuống mức gần thấp kỷ lục trong tháng 4, khi người dân nước này bị bủa vây bởi mối lo tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
BOE dự báo lạm phát ở Anh sẽ lên mức khoảng 10% trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine và phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc. Ngân hàng trung ương này cũng cảnh báo giá cả có thể tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của nhiều người, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
“Tôi cho rằng điều quan trọng là phải đặt việc tăng lãi suất vào bối cảnh cú sốc mà nền kinh tế đang trải qua”, Thống đốc Andrew Bailey nói với hãng tin CNBC sau cuộc họp của BOE. “Chúng ta đang chứng kiến một cú sốc lớn chưa từng có tiền lệ đối với thu nhập thực tế của người dân ở đất nước này, và cú sốc đó đến từ nước ngoài, từ thương mại… Thu nhập thực tế bị ảnh hưởng tiêu cực, và tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng lan rộng, một cách mạnh mẽ, trong nền kinh tế trong năm nay”.
Thu nhập thực tế là một thước đo về sức mua của người tiêu dùng, tính bằng thu nhập danh nghĩa trừ đi lạm phát.
Phản ứng với mức độ tăng lãi suất dè dặt của BOE, đồng Bảng Anh giảm giá so với đồng USD, về mức 1,2393 Bảng đổi 1 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Những người giữ quan điểm thận trọng, trong đó có ông Bailey, cho rằng việc nâng lãi suất mạnh hơn có thể khiến nền kinh tế Anh sụt tốc mạnh, trong khi nguy cơ suy thoái đã hiện hữu.
Trong dự báo cập nhật, BOE nhấn mạnh nguy cơ suy thoái ngày càng lớn đối với Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. BOE dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh sẽ suy giảm trong 3 tháng cuối năm nay. “Điều này phản ánh tác động tiêu cực từ sự tăng giá của năng lượng và hàng hoá đối với thu nhập thực tế của các hộ gia đình Anh và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Anh”, tuyên bố của BOE sau cuộc họp có đoạn viết.
“Sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn là một thách thức đối với nhiều nhà hoạch định chính sách”, chiến lược gia Hussain Mehdi của HSBC Asset Management nhận định sau cuộc họp của BOE. “Dù vậy, với lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022, chính sách tiền tệ thắt chặt của BOE sẽ phải tự động duy trì”.
Ông Bailey nói thêm rằng BOE đang nhận thấy những dấu hiệu của sự suy giảm sâu hơn trong niềm tin của người tiêu dùng ở Anh, nhất là khi so với niềm tin của doanh nghiệp.
“Bởi vậy, tôi nghĩ rằng câu trả lời cho câu hỏi ‘chính sách tiền tệ để làm gì?’ thực chất phải bắt đầu với một câu hỏi khác, là ‘cú sốc lạm phát sẽ có ảnh hưởng như thế nào?’ông Bailey nói. “Chúng tôi cho rằng cú sốc này sẽ có tác động lớn trong việc kéo tụt các hoạt động kinh tế, từ đó lạm phát cũng bị kéo xuống. Sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của chúng tôi tính đến điều đó”.