Thành lập năm 2001, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) được góp vốn bởi 3 cổ đông sáng lập. Song tính tới ngày 28/3/2022, Công ty chỉ còn một cổ đông lớn là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM sở hữu 8,49% vốn điều lệ, 91,51% còn lại thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5%.
Với việc cơ cấu cổ đông pha loãng theo thời gian, trong lần đầu tiên ngày 25/4/2022, Đại hội đồng cổ đông CII đã không thể tổ chức được do chỉ có đại diện cổ đông sở hữu 23,85% vốn điều lệ tham dự. Tới ngày 20/5/2022, với tỷ lệ cổ đông đại diện 33,03% vốn điều lệ, Đại hội đồng cổ đông bất thường mới có thể diễn ra.
Về hoạt động kinh doanh, CII được giới thiệu là công ty tư nhân lớn nhất trong ngành phát triển hạ tầng tại Việt Nam, đang đầu tư phát triển thêm các dự án bất động sản tại TP.HCM, Quảng Ngãi, Quảng Ninh và Bình Thuận. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh liên tục thâm hụt vốn, Công ty gia tăng sử dụng đòn bẩy nợ vay bên ngoài để tài trợ cho quá trình tăng quy mô vốn.
Nếu như thời điểm ngày 31/12/2016, CII chỉ sử dụng 3.572,67 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, bằng 83,1% vốn chủ sở hữu, thì tới ngày 30/6/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đã tăng lên 15.001,3 tỷ đồng, bằng 178,1% vốn chủ sở hữu. Như vậy, gần 6 năm, Công ty đã tăng nợ vay thêm 11.428,6 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cuối năm 2016.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) đều ghi nhận lỗ từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2022, CII chỉ thoát lỗ do ghi nhận doanh thu tài chính đột biến. Riêng năm 2021, khi doanh thu tài chính giảm 21,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 292,2 tỷ đồng, chỉ còn 1.069,6 tỷ đồng, Công ty lập tức báo lỗ 105,8 tỷ đồng.
Không chỉ hoạt động kinh doanh cốt lõi liên tục lỗ, dòng tiền hoạt động kinh doanh cũng có dấu hiệu thâm hụt vốn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2022, tổng dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm 2.058,1 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 6.018,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 6.730,9 tỷ đồng (phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ).
Nhu cầu đầu tư mở rộng lớn, hoạt động kinh doanh chính liên tục âm và ghi nhận dòng tiền không đáng kể, để bù đắp thâm hụt dòng tiền, CII đã tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu. Tính tới ngày 30/6/2022, tổng nợ vay mới của Công ty lên trên 15.000 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/6/2022, tổng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của CII là 1.075,8 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng tài sản. Trong đó, tổng dư nợ vay là 15.001,29 tỷ đồng, bao gồm cả nợ vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu. Công ty thuyết minh, tổng nợ vay và lịch thanh toán trái phiếu trong một năm là 2.584,24 tỷ đồng, trong năm thứ hai là 3.061,21 tỷ đồng, trong năm thứ ba đến năm thứ năm là 3.788,96 tỷ đồng, sau 5 năm là 4.045,42 tỷ đồng.
Riêng đối với trái phiếu đã phát hành, Công ty đang có lịch thanh toán 2.050 tỷ đồng trong vòng một năm, 2.401 tỷ đồng trong vòng năm thứ hai, 872,5 tỷ đồng trong vòng năm thứ ba đến năm thứ năm và 1.150 tỷ đồng sau năm thứ năm. Như vậy, áp lực nợ vay đến hạn và trái phiếu đáo hạn sẽ tăng trong 2 năm tới là 5.645,45 tỷ đồng, bằng 5,25 lần tiền mặt hiện có.