Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất - kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp đều ý thức được việc tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng cũng như hoạt động quảng cáo sản phẩm.
Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc.
Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng sử dụng thường xuyên.
Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng thực phẩm chức năng với kỳ vọng rằng các loại thực phẩm chức năng này có thể loại trừ, ngăn chặn sự phát triển của khối u.
Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng thực phẩm chức năng, làm mất đi cơ hội điều trị. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân dị ứng thực phẩm chức năng do sử dụng tràn lan, thiếu chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Và điều đáng lo ngại, do rất nhiều thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như thần dược khiến nhiều người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong (Tín Phong Pharma) có trụ sở tại Lô B10/ D6 khu đô thị Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Những ngày này, trên mạng xã hội Facebook và một số địa chỉ website đang tiến hành quảng cáo rầm rộ về các sản phẩm thực phẩm chức năng do Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong (Tín Phong Pharma), địa chỉ tại Lô B10/ D6 khu đô thị Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội phân phối. Ông Nguyễn Đăng Hoàng là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong.
Cụ thể, trên trang Facebook có tên “Tín Phong Pharma” và website esunvy.com, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo với nội dung không đúng công dụng, chất lượng thực tế, nhiều nội dung quảng cáo không đúng phạm vi được nêu trong giấy phép do cơ quan y tế cấp.
Trên bao bì sản phẩm Linhzhi Ginseng Gold chỉ ghi có công dụng “Giúp bồi bổ cơ thể, hỗ trợ nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm mệt mỏi, suy nhược cơ thể”.
Cụ thể, trên trang Facebook “Tín Phong Pharma”, sản phẩm Linhzhi Ginseng Gold được quảng cáo có khả năng “Hỗ trợ nâng cao sức đề kháng; Tăng cường sự trao đổi của chất của cơ thể; Kích thích vị giác, cho bạn sự ngon miệng; Hỗ trợ điều trị các bệnh cảm cúm; Tăng cường lưu thông máu đến các dây thần kinh; Cải thiện tuần hoàn máu não”.
Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm Linhzhi Ginseng Gold chỉ ghi có công dụng “Giúp bồi bổ cơ thể, hỗ trợ nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm mệt mỏi, suy nhược cơ thể”. Như vậy, nội dung quảng cáo đã được “thổi phồng” lên so với thực tế.
Trên trang Facebook của Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong, sản phẩm Linhzhi Ginseng Gold được quảng có có cả công dụng "hỗ trợ điều trị bệnh cảm cúm, cải thiện tuần hoàn máu não".
Chưa dừng lại ở đó, trang Facebook này còn nhiều bài viết có nội dung quảng cáo sản phẩm có khả năng giải quyết các vấn đề về COVID-19 và hậu COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có cơ quan chức năng nào công nhận các sản phẩm của Tín Phong có công dụng này.
Điển hình như sản phẩm Ích Huyết Khang được quảng cáo “giải cứu F0 khỏi rối loạn kinh nguyệt hậu COVID”. Sản phẩm Bổ Phế Kha Tử Tín Phong được quảng cáo có khả năng “Giảm các triệu chứng ho do cảm lạnh, ho gió, ho khan, ho có đờm” và “Giảm ho hậu COVID”.
Trang Facebook của Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong được quảng cáo "giải cứu F0 khỏi rối loạn kinh nguyệt hậu Covid". Tuy nhiên, thông tin này chưa được chứng minh trên thực tế.
Những quảng cáo kể trên dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm là thuốc có khả năng điều trị bệnh. Trong khi đó, trên thực tế, theo cấp phép của Bộ Y tế, các sản phẩm này chỉ là dòng sản phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh không có tác dụng trong việc điều trị và thay thế thuốc chữa bệnh.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Còn theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nếu đối chiếu các quy định trên thì có thể thấy, các hoạt động quảng cáo trên website, trang mạng xã hội kể trên đang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, gây hiểu lầm giữa thực phẩm chức năng với thuốc, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, người tiêu dùng không khỏi thắc mắc về việc tại sao các sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong phân phối lại quảng cáo sai sự thật, sai so với công dụng, chất lượng thực sự đã được cơ quan y tế cấp phép? Liệu các sản phẩm có công dụng hỗ trợ người mắc Covid và hậu Covid như đã quảng cáo hay không? Việc quảng cáo sai sự thật có phải chiêu trò để công ty lừa dối người tiêu dùng? Nếu sử dụng sản phẩm mà chất lượng không như quảng cáo, Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong có chịu trách nhiệm?
Theo ông Hoàng Quang Tú, Bác sỹ chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên (Hà Nội), sau khi khỏi COVID-19, nếu có những dấu hiệu bất thường về hô hấp, tim mạch…, người dân cần đến cơ sở y tế để khám. Khi đó, căn cứ vào triệu chứng cụ thể, bác sỹ sẽ tư vấn và kê đơn các loại thuốc phù hợp. “Không có loại thuốc chuyên điều trị các triệu chứng “hậu COVID-19”. Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt nên người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm hay quảng cáo trên mạng mà chỉ nên mua thuốc khi có chỉ định của bác sỹ”, ông Hoàng Quang Tú nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc quan tâm đến sức khỏe bản thân, nhất là sau khi khỏi COVID-19 là việc mỗi người nên làm. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, tìm mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo là “điều trị hậu COVID-19” nhưng chưa có cơ sở khoa học, người dân nên chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế để có sự tư vấn phù hợp, đúng chuyên môn.
Qua đó, vừa bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình, vừa không tiếp tay cho những đối tượng đang cố tình rao bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc để trục lợi từ chính sự lo lắng của người dân. Cũng theo chuyên gia, hiện các loại thực phẩm chức năng bán trên không gian "ảo" rất khó kiểm định chất lượng.
Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cơ thể không tốt lên, mà ngược lại, tình trạng bệnh còn nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thực phẩm chức năng buôn lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, việc sử dụng thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi", nếu bổ sung dư thừa cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.