Theo CNN, Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tuần này. Không dừng lại ở đó, nhiều chuyên gia dự báo Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 12 năm nay.
Nhiều nhà đầu tư cùng người tiêu dùng Mỹ lo ngại rằng với những đợt tăng lãi suất ồ ạt, Fed có khả năng sẽ đưa nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Đây không phải là những suy diễn vô căn cứ khi những người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Mỹ thời kỳ trước như Alan Greenspan, Ben Bernanke và cựu Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chưa bao giờ phải liên tiếp tăng lãi suất nhiều như hiện tại.
Sự áp đảo của “diều hâu”
Nhiều người cho rằng Fed đã thiếu cẩn trọng trong việc tính toán tác động của những đợt tăng lãi suất đối với nền kinh tế. Lạm phát tại Mỹ có thể chưa đạt đến đỉnh điểm nhưng nhiều ý kiến cho rằng thời điểm đó đang ngày càng đến gần xứ cờ hoa.
“Các nhà hoạch định chính sách cần phải chuẩn bị cho thời điểm nhu cầu thương mại suy yếu, khi tác động của các đợt tăng lãi suất và lạm phát tạo lực cản đối với các hoạt động kinh tế”, ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn RSM US, nhận định. Bên cạnh đó, ông còn cho rằng Mỹ “rõ ràng đang đối mặt với rủi ro suy thoái trong tương lai gần”.
Một yếu tố có thể khiến Fed tăng mạnh lãi suất trong hai cuộc họp tiếp theo và sau đó giảm tốc độ. Hàng năm, Fed sẽ luân phiên trao quyền bỏ phiếu tại cuộc họp chính sách cho các chủ tịch chi nhánh khác nhau. Lần thay đổi tiếp theo sẽ diễn ra trước cuộc họp đầu tiên của Fed vào năm 2023.
Khác với quan điểm của các chủ tịch chi nhánh hiện tại, các chuyên gia chỉ ra rằng một số thành viên bỏ phiếu mới tại Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có khuynh hướng không ủng hộ việc tăng lãi suất liên tục như hiện tại của Fed.
Trong tương lai, hướng đi mới của FOMC có thể sẽ chuyển từ lập trường “diều hâu” (ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ) sang lập trường “bồ câu” (cẩn trọng về việc tăng lãi suất).
“Lập trường chung của ủy ban sẽ trở nên bớt 'diều hâu' hơn vào năm 2023. Nhận thấy thời thế sắp đảo chiều, các quan chức theo chiều hướng 'diều hâu' sẽ tranh thủ tăng lãi suất khi họ còn tại chức”, nhận định của hai nhà kinh tế Carl Riccadonna và Andy Schneider trong một báo cáo gần đây.
Điểm nhấn đến từ báo cáo việc làm
Cuộc họp sắp tới của Fed diễn ra chỉ hai ngày trước khi người Mỹ nhận được báo cáo về thị trường lao động. Các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại nhưng không đáng kể.
Theo ước tính từ Reuters, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế Mỹ đã có thêm 200.000 việc làm trong tháng 10, giảm so với mức tăng 263.000 việc làm trong tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng nhẹ từ 3,5% lên 3,6%, vẫn gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.
Tuy nhiên, theo công ty ADP, nhà cung cấp dịch vụ và phần mềm quản lý nguồn nhân lực của Mỹ, công cuộc tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Trong tháng 9, quốc gia này có thêm 190.000 việc làm, giảm so với con số 208.000 được ghi nhận vào tháng 8.
Ngay cả khi tốc độ tuyển dụng bắt đầu chậm lại, tình hình thị trường lao động vẫn tương đối tích cực. Dù không nhanh bằng lạm phát, tiền lương vẫn tăng với tốc độ trên mức trung bình.
Chính phủ cho biết trong báo cáo việc làm tháng 9, thu nhập trung bình theo giờ đã tăng 5% trong 12 tháng qua. Fed nhận định mức trưởng tiền lương trong khoảng 2-3% hàng năm là một dấu hiệu cho thấy lạm phát đang được kiểm soát.
Theo số liệu công bố ngày 28/10, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 9 - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, khả năng tốc độ tăng trưởng tiền lương bị chậm là trường hợp khó có thể xảy ra trong bối cảnh thị trường việc làm vẫn còn mạnh mẽ và giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao.
“Tốc độ tuyển dụng đang rất nhanh. Tuy nhiên, việc này không bền vững và có thể khiến lương cùng lạm phát bị đẩy lên cao”, các nhà kinh tế tại The Hamilton Project, một nhóm nghiên cứu chính sách tại Viện Brookings, cho biết.