Lý do được ngân hàng Goldman Sachs đưa ra là “căng thẳng gần đây” trong lĩnh vực tài chính.
Trước đó, vào ngày 12.3, các nhà quản lý Mỹ đã công bố các biện pháp nhằm ngăn chặn nỗi sợ lây lan sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB). Các cơ quan quản lý cũng đã đóng cửa Signature Bank, với lý do rủi ro hệ thống.
Nhà kinh tế Jan Hatzius của Goldman cho biết: “Trước tình hình căng thẳng trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi không còn kỳ vọng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 22.3”.
Goldman Sachs trước đây đã kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Tháng trước, FOMC đã tăng lãi suất quỹ liên bang thêm một phần tư điểm phần trăm lên phạm vi mục tiêu từ 4,5% đến 4,75% - mức cao nhất kể từ tháng 10.2007.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết, gói biện pháp cứu trợ được công bố hôm Chủ nhật vừa qua sẽ không giống như động thái tương tự được thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Kho bạc đã chỉ định SVB và Signature Bank là rủi ro hệ thống, trong khi FED tạo ra chương trình tài trợ có kỳ hạn ngân hàng mới để hỗ trợ các tổ chức bị ảnh hưởng từ bất ổn của thị trường sau thất bại của SVB.
Những nhà kinh tế này viết: “Cả hai bước này đều có khả năng làm tăng niềm tin của những người gửi tiền, mặc dù chúng không đạt được sự đảm bảo của FDIC đối với các tài khoản không có bảo hiểm như đã được thực hiện vào năm 2008.
Với cách thức cứu trợ được công bố hôm nay, chúng tôi không mong đợi các hành động ngắn hạn của Quốc hội sẽ mang lại sự đảm bảo”, đồng thời cho biết thêm rằng, họ mong đợi các biện pháp mới nhất sẽ “cung cấp thanh khoản đáng kể cho các ngân hàng đang đối mặt với dòng tiền gửi ra ngoài”.
Goldman Sachs cho biết, ngân hàng này vẫn kỳ vọng sẽ thấy các đợt tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7, nhắc lại kỳ vọng lãi suất cuối kỳ của họ là 5,25% đến 5,5%.