Nhiều nông dân ở thị xã Điện Bàn đứng ngồi không yên. Hiện trên đồng ruộng đã xuất hiện tình trạng cây lúa bị vàng, nhiều đám ruộng khô nước, cỏ mọc um tùm.
Đứng trên đám ruộng của gia đình mình, ông Phạm Văn Hiến ở thôn Ngân Cau, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn chỉ những đám ruộng cho biết, vụ lúa năm nay gia đình ông gieo sạ được 5 sào, các đám lúa đang vào thời kỳ trổ đòng, đẻ nhánh nên rất cần nguồn nước tưới. Nhưng các tuyến kênh mương dẫn nước vào ruộng lúa đã khô cạn.
“Cây lúa được gần 3 tháng đang trổ đòng cần có nước liên tục trong 20 ngày để tạo hạt, nếu tình trạng thiếu nước kéo dài chắc chắn hạt lúa sẽ bị lép và mất mùa. Năm 2022, 5 sào ruộng tôi thu hoạch được hơn 50 bao lúa. Nhưng vụ này tôi không biết có thu được bao lúa nào không. Hiện tại không có nước tưới, cỏ mọc rất nhiều nên ảnh hưởng năng suất”- ông Hiến nói.
Kế bên đó là ruộng lúa nhà bà Trần Thị Quý, ở thôn Ngân Cau. Bà Quý cho biết, cách đây nửa tháng, trạm bơm Tứ Câu dẫn nước nhiễm phèn từ sông vào ruộng khiến cả cánh đồng lúa nhiễm mặn, vàng rực. Sau khi có nước ngọt, người dân tập trung rửa mặn, cứu lúa. Mọi năm trước, thời điểm này địa phương đã đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện, nhưng năm 2023 vẫn chưa triển khai đắp đập. Nếu thời gian tới không làm đập chống mặn thì nguy cơ bà con mất trắng rất cao.
Theo nhiều người dân ở thị xã Điện Bàn, nguyên nhân thiếu nước tưới cho các diện tích lúa trên địa bàn là do tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra trên sông Vĩnh Điện. Trong khi, Trạm bơm Tứ Câu lấy nước ngọt từ sông này cung cấp cho gần 2.000 ha lúa của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn. Do đó bà con mong muốn các ngành chức năng sớm có biện pháp đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện để đảm bảo nguồn nước tưới cho hoa màu.
Sáng 3/4, ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, tại cánh đồng lúa thôn Ngân Cau, phường Điện Ngọc, một số mương dẫn nước từ kênh chính ra đồng ruộng khô cạn. Ông Đào Văn Thiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hiện nay Công ty quản lý rất nhiều trạm bơm bị nhiễm mặn, trong đó trạm bơm ở Tứ Cau bị nhiễm mặn nặng nên đơn vị không có nước để bơm.
“Để phục vụ cho việc sản xuất của người dân, nhân viên tại các trạm bơm phải túc trực đo độ mặn cả ngày lẫn đêm, khi nào có nước ngọt là tranh thủ bơm ngay. Nếu không sớm thi công đập ngăn mặn thì gần 2.000ha lúa đứng trước nguy cơ thiếu nước, mất mùa”- ông Thiên cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hàng năm hạ lưu sông Vĩnh Điện thường bị mặn xâm nhập sâu từ nguồn nước mặn sông Hàn, TP Đà Nẵng tràn vào. Từ năm 2013 đến nay, UBND thị xã triển khai phương án đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ nước ngọt nhằm đảm bảo tạo nguồn nước tưới cho gần 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn và các khu vực TP Hội An và TP Đà Nẵng. Đầu năm 2023 nắng nóng gay gắt, mực nước sông xuống thấp, gây khô hạn và nhiễm mặn. Kết quả kiểm tra nồng độ mặn tại cầu Tứ Câu vào ngày có lúc lên đến 6,2‰, đến 6,5‰.
Theo bà Châu, công trình Đập thời vụ ngăn mặn đã được thống nhất chủ trương xây dựng trên sông Vĩnh Điện cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m. Tuy nhiên, từ lúc mở thầu (16/2) đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thi công công trình này. Nguồn cát đắp cho đập khoảng 10.000m3, nhưng hiện tại các mỏ cát trên địa bàn đóng cửa và tạm dừng hoạt động.
“Trước thực trạng đó, UBND thị xã Điện Bàn đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, cho phép lấy khối lượng cát này tại điểm mỏ ĐB02 tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Nếu công tác đắp đập không sớm thực hiện thì cây trồng sẽ bị mất mùa, ảnh hưởng đến đời sống người dân”- bà Châu cho biết.
Liên quan vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên môi trường, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và UBND thị xã Điện Bàn về việc sử dụng nguồn vật liệu cát đã được nạo vét từ dự án nạo vét sông Cổ Cò để thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện năm 2023.
Trước thực trạng ruộng đồng đang bị thiếu nước tưới do dòng sông bị mặn xâm thực, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề xuất 2 phương án. Thứ nhất là chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác cát hỗ trợ nguồn cát cho thị xã Điện Bàn kịp thời đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Phương án 2 là xin phép UBND tỉnh cho sử dụng nguồn cát từ việc khơi thông sông Cổ Cò để đắp đập, mục đích ngăn mặn để đủ nước tưới phục vụ sản xuất”.